Tiếp tục đổi mới, vận dụng hiệu quả bài học 'Dân là gốc', 'Dân là trung tâm'

Hội thảo khoa học thực hiện bài học Dân là gốc, Dân là Trung tâm, phát huy sức mạnh Nhân dân, Đại đoàn kết toàn dân tộc, thực trạng và những vấn đề đặt ra.

 

Hội thảo khoa học thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là Trung tâm”, phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, thực trạng và những vấn đề đặt ra do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 10/6.

Tiếp tục đổi mới, vận dụng có hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hoạt động của hệ thống chính trị. Đó cũng là nội dung được đề cập trong phần phát biểu của ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại Hội thảo khoa học thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là Trung tâm”, phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, thực trạng và những vấn đề đặt ra. Hội thảo do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại thành phố Đà Nẵng sáng 10/6.

Quang cảnh Hội thảo.

Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đúc kết 4 bài học kinh nghiệm có ý nghĩa sâu sắc, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới. Trong đó, bài học hàng đầu là “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Sau 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bài học kinh nghiệm “lấy dân làm gốc” của Đại hội VI được Đại hội VII tiếp tục khẳng định trong bài học kinh nghiệm thứ hai của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”. Bước vào thế kỷ XXI cũng là chặng đường của 15 năm đổi mới, Đảng vẫn nhất quán quan điểm đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn luôn luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo.

Sau 20 năm đổi mới, năm 2006, Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định “Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới”. Từ quan điểm “dân làm gốc” trong lịch sử, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, các kỳ Đại hội của Đảng tiếp tục nhấn mạnh tập trung ở sức mạnh to lớn, nguồn lực vô tận của nhân dân; nhân dân là nền tảng, chỗ dựa vững chắc của hệ thống chính trị, lực lượng rộng lớn trong mọi phong trào cách mạng. Trong tiến trình đổi mới, Đảng ngày càng quan tâm đến việc thể chế hóa thành những quy định về quyền làm chủ của nhân dân.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương phát biểu.

Đại hội XII của Đảng đưa ra yêu cầu: Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đến Đại hội XIII, Đảng nhấn mạnh thêm về trách nhiệm làm chủ của nhân dân, đồng thời nêu rõ vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân gắn liền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nêu rõ phương hướng: “Lãnh đạo thể chế hóa Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của Nhân dân trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; Nghiên cứu, ban hành cơ chế để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ; Tích cực giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương đề nghị: “Tập trung đánh giá những kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian qua. Trong thời gian vừa qua chúng ta đã đạt được kết quả nào trong lĩnh vực này, còn có khó khăn hạn chế gì? Xác định những vấn đề đặt ra và những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh của Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất nội dung, quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp để tiếp tục thực hiện bài học dân là gốc, dân là trung tâm”.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng.

Các tham luận tại Hội thảo tập trung làm rõ những bài học kinh nghiệm lấy dân làm gốc ở các đơn vị, địa phương. Đó là công tác chăm lo người nghèo, người già không nơi nương tựa, các chương trình an sinh xã hội hướng về người nghèo, người yếu thế… Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố xác định phát triển kinh tế gắn với phát triển hài hòa văn hóa, xã hội lấy người dân làm trung tâm. Thành phố Đà Nẵng có nhiều chính sách an sinh xã hội vượt trội như “5 không, 3 có”, thành phố “4 An”, miễn giảm học phí cho các cấp học, hỗ trợ đối tượng yếu thế, người nghèo.. Trong đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến 2022, thành phố chi khoảng 1.200 tỷ đồng chăm lo Nhân dân.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết: “Thành phố xác định rõ tôn chỉ phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội một cách hài hòa và bền vững, trong đó người dân thành phố là chủ thể trung tâm. Chất lượng cuộc sống người dân thành phố không ngừng được nâng lên, chuẩn nghèo được nâng cao hơn quy định chung của cả nước và hướng đến giảm nghèo đa chiều bền vững”./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận