Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm rõ nhiều vấn đề về phát triển công nghiệp bán dẫn

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó kinh tế số vừa qua phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng 12-15% một năm.

 

Sáng 6/6, tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời câu hỏi của các ĐBQH.

Việt Nam có cơ hội tham gia sâu ngành công nghiệp bán dẫn

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) về “Việt Nam có cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn hay không?”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó kinh tế số vừa qua phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng 12-15% một năm. Cùng với đó, việc đào tạo các chuyên ngành liên quan tới công nghệ thông tin, vật lý, vật liệu… vừa qua cũng được chú trọng. 

“Việt Nam có cơ hội tham gia sâu ngành công nghiệp bán dẫn. Kinh tế số tại Việt Nam phát triển rất nhanh, Người Việt cũng có nhiều tố chất như đam mê toán học, khéo léo... để tham gia vào ngành này”, Phó Thủ tướng nói.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu chất vấn với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.Để tận dụng những những yếu tố này, Phó thủ tướng nhấn mạnh nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo đó, Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ. 

Phó Thủ tướng đồng thời lưu ý: “Cần chú trọng đào tạo tại chỗ các kỹ sư để họ tiếp cận ngay, tham gia vào chuỗi sản xuất ở các khâu như đóng gói, kiểm chuẩn… Cùng đó là đào tạo chuyên sâu để họ tham gia vào các khâu sản xuất chuyên sâu hơn, cốt lõi. Chính phủ đã có chủ trương chọn các trường đại học, xây dựng  trung tâm chip bán dẫn, đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại… để tận dụng các cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất lĩnh vực công nghệ cao này. Chính phủ cũng đưa ra các chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chip, bán dẫn”.  

Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần chính sách để Việt Nam có thể xây dựng, nghiên cứu sâu hơn về công nghệ lõi - lĩnh vực các nước phát triển đều nắm bản quyền, không chuyển giao.

Cũng nêu chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, ĐB Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có dự án công nghệ cao, chip bán dẫn, nhưng họ lo ngại việc cung ứng điện, nhất là thiếu cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Cung ứng điện phục vụ sản xuất hiện nay thế nào, ảnh hưởng ra sao tới cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua. Quy hoạch điện VIII đang được thực hiện thế nào. Chính phủ có giải pháp gì để đẩy nhanh thực hiện quy hoạch này?”. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm trong thời gian qua. Đáng chú ý khi năm 2023, tình trạng thiếu điện cục bộ từng xảy ra ở một số địa phương miền Bắc, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, để cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, Việt Nam đã đưa ra giải pháp về đẩy nhanh các công trình, dự án nguồn điện để tăng nguồn cung; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện. Trong đó, dự án đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối đang được đẩy nhanh xây dựng và dự kiến sẽ vận hành vào cuối tháng 6/2024.

“Dự án sẽ giúp tăng truyền tải điện từ Nam ra Bắc, thêm nguồn cung điện cho miền Bắc. Như vậy, việc điều tiết điện giữa các vùng miền sẽ được giải quyết ở mức độ nhất định trong vài năm. 

Ngoài đa dạng các nguồn điện, Chính phủ cũng đang xây dựng, đẩy nhanh ban hành Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), với nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời); và Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Với trách nhiệm của Nhà nước và sự chủ động từ doanh nghiệp liên quan, sẽ đảm bảo cung ứng điện đủ, an toàn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; từ đó giải quyết được vấn đề hiện nay”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.

Thách thức cho ngành công nghiệp bán dẫn

Phát biểu tranh luận về việc Việt Nam sớm tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa các nước lớn diễn ra khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tốt cho Việt Nam để trở thành miền đất hứa cho ngành ngành Công nghiệp bán dẫn. 

Theo ông Hạ, trong phần trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề cập rõ tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trong đó có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực. Do vậy, đại biểu đoàn Quảng Nam mong muốn Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ hơn về việc tận dụng sớm nhất, nhanh nhất những lợi thế, tiềm năng của Việt Nam, cũng như đưa ra chính sách như thế nào để thu hút các nhà đầu tư; cơ chế nào để khuyến khích, khơi dậy nguồn lực tiềm năng nội tại này của đất nước.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) tranh luận.ĐB Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi: “Qua thông tin đại chúng, chúng ta biết, Trung Quốc đã bỏ ra 45,5 tỷ USD, Hàn Quốc bỏ hơn 7 tỷ USD để hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn này. Vậy, hệ thống chính sách của Việt Nam như thế nào, chúng ta phải chuẩn bị những gì để thu hút được các nhà đầu tư. Trong khi, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp công nghiệp bán sản phẩm cho Mỹ sử dụng, nhưng bán trong nước “không ai mua”. Vậy phải làm như thế nào để khuyến khích, tạo ra động lực, tiềm năng nội tại của đất nước?”

Trả lời phần tranh luận của ĐB Tạ Văn Hạ, Phó Thủ tướng cho biết, thực tế, Việt Nam đã có sự chuẩn bị, đồng thời tính toán đến đào tạo và đào tạo lại dựa trên nguồn nhân lực hiện nay các trường đại học đã đào tạo và đang đào tạo. 

Theo Phó thủ tướng, việc tham gia đầy đủ các chuỗi giá trị, nắm bắt các khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn “là cả vấn đề”. Việt Nam có lợi thế là được các nước đang làm chủ công nghệ sản xuất có thể ưu tiên chuyển giao một phần công nghệ. Song thực tế, để nắm bắt công nghệ, làm chủ sản xuất “là cả vấn đề” cần phải nghiên cứu cơ bản, kết hợp nhiều khâu khác nhau và triển khai một cách lâu dài. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) tranh luận.Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ để phục vụ công tác nghiên cứu cơ bản và các trường đại học có thể dùng chung. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo cũng nhằm tiến hành những khâu đầu và thực hiện nghiên cứu cơ bản để có thể làm chủ được các bước sau. 

“Những đầu tư này rất lớn, chẳng hạn khu vực sản xuất thử được cũng phải đầu tư 7 tỷ USD. Công việc này cần phải có Nhà nước tham gia về nguồn lực nhưng quan trọng nhất cần sự tham gia của khối doanh nghiệp vì cần căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Chúng ta không đơn giản sản xuất ra chip mà lại không cạnh tranh được với các thị trường lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Lê Hoàng/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận