Bộ trưởng Bộ Công Thương: Ba thách thức lớn trong thương mại điện tử

Thương mại điện tử thì Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn.

 

Trong ngày đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên cho hay, thương mại điện tử thì Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn, đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân, hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp… Cùng với đó Bộ trưởng cũng nêu rõ khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử.

Quản lý livestream rất khó khăn

Tình trạng mất an toàn dữ liệu cá nhân, hàng giả, hàng kém chất lượngảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng và gây thất thu thuế, hay vấn đề livestream bán hàng trên một số mạng xã hội được nhiều đại biểu quan tâm và phản ánh. Nhiều đại biểu đã gửi câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên về hoạt động thương mại điện tử, vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, về vấn đề livestream bán hàng trên mạng xã hội…

Đại biểuNguyễn Minh Hoàng - TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề,hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng cả thương mại điện tử để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.Đề nghị Bộ trưởng cho biếtgiải pháp để hạn chế và ngăn chặn những hoạt động vi phạm này?

Quan tâm về vấn đề livestream bán hàng trên một số mạng xã hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Phú Yên hỏi về việc doanh thu 1 ngày có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, đây là con số rất lớn.Vậy chúng ta làm thế nào để quản lý được chất lượng, bảo đảm được quyền lợi của khách hàng?

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởngBộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diêncho biết, có thể nói, trong thương mại điện tử thì Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn, đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân, hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp thì chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng và thất thu thuế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, có tình trạng lộ lọt trong việc mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, tuy không phổ biến. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề này và đã nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 để hướng dẫn thi hành luật, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

“Đại biểu đã phản ánh rất đúng về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua thương mại điện tử, thâm nhập vào thị trường của chúng ta, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất ở trong nước. Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã thường xuyên khuyến nghị với người sản xuất ở trong nước cần phải chú trọng, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Năm 2023, đã gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm”, vị tổng tư lệnh ngành khẳng định.

Thời gian qua thương mại điện tử đã giao dịch với một lượng rất lớn, doanh số lên tới gần 21 tỷ USD, năm 2023 nộp thuế gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022. Song vẫn còn tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này. Đồng thời vị tổng tư lệnh ngành cũng thừa nhận, việc quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử thật sự khó khăn.“Để quản lý được hoạt động này thì không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà còn trách nghiệm của rất nhiều ngành như ngành thông tin truyền thông, ngành tài chính quản lý hoặc các ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ quy định. Cho nên phải có sự phối hợp, đương nhiên trong trường hợp này Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý”, Bộ trưởng Diên cho hay.

Tồn tại khoảng trống pháp lý trong quản lýthuốc lá điện tử

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam- Bến Tre cho biết, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được thừa nhận ở Việt Nam nhưng lại được bán tràn lan trên thị trường, nhất là qua môi trường không gian mạng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là giới trẻ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương trong quản lý thị trường về vấn đề này?

Trước câu hỏi chất vấn liên quan đến thuốc lá điện tử bày bán tràn lan trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thuốc lá thế hệ mới bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chưa được định nghĩa cụ thể trong luật hiện hành, do vậy đang tồn tại khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý đối với loại hình sản phẩm này. Mặc dù chưa có chính sách quản lý nhưngBộ Công Thương chưa cấp phép kinh doanh và đăng ký cho bất kể doanh nghiệp nào. Đồng thời Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, đấu tranh, xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm với số lượng rất lớn trong thời gian vừa qua, như là quản lý thị trường Hà Nam thu giữ trên 108.000 sản phẩm hay quản lý thị trường Bắc Ninh thu giữ 103.000 sản phẩm, tại Hà Nội cũng thu giữ hơn 11.000 sản phẩm.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Phú Yên:

Hiện nay livestream của các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo và các livestream cá nhân ấy doanh thu lên đến hàng trăm tỷ 1 ngày, 1 lần như vậy thì đó là vấn đề rất lớn chứ không phải vấn đề nhỏ mang tính cá nhân nữa. Nếu như chúng ta đi theo giải pháp là xóa các trang đó như Bộ trưởng trình bày trong báo cáo và trình bày trước Quốc hội, chúng tôi thấy rằng xóa thì khó mà lập một trang mới rất dễ dàng như chặt đầu Phạm Nhan, thậm chí là nhiều gấp nhiều lần Phạm Nhan, chúng ta cứ đuổi theo như vậy thì làm sao chúng ta có thể giải quyết được dứt điểm vấn đề này. Cảm giác là nếu chúng ta không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả và luôn luôn đuổi theo như một ma hồn trận, rất khó khăn trong khi người tiêu dùng thì lĩnh đủ và cơ quan thuế thì thất thu.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội đặt câu hỏi, đã có nhiều biện pháp để phòng, chống buôn lậu thuốc nhưng có hiệu quả không? Vì tỷ lệ hút thuốc lá điện tử vẫn tăng lên rất nhiều, tỷ lệ buôn bán và sản xuất thuốc lá điện tử tăng lên rất nhiều;Bộ Công Thương có đề nghị thí điểm về việc nhập thuốc lá mới nữa không?; Bộ trưởng có đề xuất gì để chấm dứt được tình trạng khoảng trống pháp lý về quản lý thuốc lá điện tử?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Bộ đã đề xuất Chính phủ tạm dừng thông qua Nghị định về quản lý thuốc lá thế hệ mới cho đến khi Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của sản phẩm này. Còn việc Bộ Công Thương triển khai xây dựng Nghị định theo chỉ đạo của Chính phủ là căn cứ vào Luật phòng, chống tác hại thuốc lá và nghị định hiện hành, chứ không phải Bộ Công Thương thích làm việc đó. Nhưng khi làm thì Bộ Y tế có ý kiến nên đã tạm dừng.Nếu Bộ Y tế khẳng định sản phẩm thuốc lá có hại sức khỏe tới mức phải cấm thì Bộ Công Thương ủng hộ và cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan để các loại sản phẩm này là không được lưu hành.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như cùng các bộ, ngành hữu quan do Bộ Y tế chủ trì tham mưu các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với thuốc lá điện tử để khắc phục tình trạng có khoảng trống về pháp lý trong lĩnh vực này. Tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận