Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Kiến nghị giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre cho biết, bản thân đại biểu đồng tình với phương án 1, tức là “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, Phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án này quá trình lấy ý kiến cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn.
“Về lâu dài, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lao động - việc làm. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu ý kiến.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn Thanh Hóa kiến nghị giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo cuộc sống về già cho người lao động.
Ông Sơn quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm còn 15 năm, nếu phương án này được thông qua sẽ có một nhóm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn, tức là khoảng 45 - 47 tuổi mới tham gia hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
Tuy vậy, định kỳ mức lương hưu sẽ được nhà nước điều chỉnh đồng thời trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế. Do vậy, đại biểu cho rằng, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hàng tháng ổn định, định kỳ được nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho người lao động.
Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho rằng phương án 2 như dự thảo luật rất nhân văn, với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia có cơ hội tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, hiện nay người lao động còn đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu cho rằng nên thực hiện theo phương án 1.
“Nhiệm vụ của các cấp các ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, không nên dùng các quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn”, ông Sơn nói.
Vẫn băn khoăn 2 phương án, cần phương án khả thi hơn
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, luật cần hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động hơn.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu, nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Về điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng, hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Trong đó phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn.
“Để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua”, bà Thu nói.
Bà Thu kiến nghị, về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội; hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Cùng đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Đối với điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đây là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm.
Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án 1 lại tạo ra lát cắt, chia thành 02 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau ngày Luật này có hiệu lực.
Mặc dù, cho rằng đây là phương án tối ưu song đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.
“Bên cạnh đó, trong tháng 4 vừa qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 39% trong quý I năm 2024. Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn trong thời gian tới, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng thêm. Do đó, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội là chưa chính xác”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nêu dẫn chứng.
Đối với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động. Bởi việc rút bảo hiểm xã hội một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 03 đến 06 tháng để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.
Liên quan đến việc người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng quy định này là chưa rõ ràng. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị đối với vấn đề này nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng. Phương án trên đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng.
“Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nói.
Dùng quyền tranh luận để trao đổi lại với một số đại biểu, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng 2 phương án được trình ra đều có mặt ưu điểm và hạn ché, chưa có phương án tối ưu.
Ông cho rằng, điểm khác biệt giữa 2 phương án là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trước hoặc sau khi luật có hiệu lực, dự kiến 1/7/2025, cụ thể là đóng trước thời điểm luật có hiệu lực thì được rút bảo hiểm xã hội một lần, còn sau thời điểm này thì không được rút.
Tuy vậy, vị đại biểu đoàn Quảng Nam băn khoăn, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là một thực tế, cấp thiết và hợp pháp của người lao động mà không phụ thuộc việc đóng trước hay sau thời điểm luật có hiệu lực.
Để phát huy tối đa ưu điểm, hạn chế tối đa hạn chế của 2 phương án, ông đề xuất phương án tích hợp cả 2 phương án.
Theo đó, người đang đóng bảo hiểm xã hội trước khi luật sửa đổi có hiệu lực thì được rút bảo hiểm xã hội một lần. Người bắt đầu đóng bảo hiểm từ thời điểm luật có hiệu lực thì cho rút một phần, có thể là phần do chính người lao động đóng hoặc có thể cho rút 50%. Như thế sẽ giải quyết được bài toán trước mắt của người lao động cũng như giải quyết vấn đề lâu dài.
Đđại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị cần làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các chính sách mới.
Cụ thể, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, cần phải làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự thảo Luật, đồng thời phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động.
“Vì đối với họ, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả cuộc đời”, đại biểu Phước nói.
Phi Long/VOV.VN