Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 chưa đạt, có một phần liên quan đến tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, khi chưa quyết liệt kịp thời trong hành động, có tâm lý đùn đẩy sợ trách nhiệm không dám làm dám quyết.
Sáng 23/5, các ĐBQH thảo luận tại tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2024.
Chỉ tiêu phát triển KT-XH cần bám sát thực tế
Đánh giá về các chỉ tiêu KT-XH năm 2023, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho biết, đã có 5/15 chỉ tiêu không đạt, đặc biệt là tăng trưởng GDP thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu khác như tỷ trọng công nghiệp, chế biến chế tạo, tăng năng suất lao động… cũng đều không đạt.
“Về tổng thể chúng ta thấy năm 2023 là thành công, nhưng còn nhiều vấn đề cần phải tính toán. Đơn cử nếu so sánh với năm 2022, KT-XH năm 2023 có sự khác biệt khá nhiều, khi năm 2022 chỉ có 2 chỉ tiêu không đạt liên quan đến năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp trong chế biến chế tạo nhưng GDP của năm 2022 lại tăng cao. Đứng ở góc độ nhìn nhận vấn đề, nhiều mục tiêu không đạt có thể do chúng ta đặt ra những chỉ tiêu đó chưa sát, quá trình hoạch định các chỉ tiêu KT-XH liệu đã bám sát với thực tế hay chưa,… Chính phủ cần giải thích và làm rõ”, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu vấn đề đồng thời chỉ ra thực tế, năm 2023 thu ngân sách cũng ít hơn năm 2022. Năm 2023 thu đạt 1,75 triệu tỷ đồng, trong khi năm 2022 thu đạt 1,815 triệu tỷ đồng…
Từ những thực tế kể trên, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng tính toán đến vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là tại vùng ĐBSCL để đối phó với tình hình thời tết cực đoan, gây hạn mặn và thiếu nước ngọt kéo dài. Trong chuyển đổi cây trồng hay tăng diện tích trồng lúa sẽ phải tính toán hết sức thận trọng đến khả năng cung cấp nước tưới theo thời vụ. Cần có giải pháp can thiệp kịp thời bằng việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đảm bảo tính lâu dài và bền vững.
Một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt
Phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 nhiều chỉ tiêu chưa đạt, Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, có một phần liên quan đến tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức. Một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt kịp thời trong hành động, có tâm lý đùn đẩy sợ trách nhiệm không dám làm dám quyết.
“Chính phủ cần có đánh giá cụ thể và thông báo xử lý kỷ luật về những vi phạm này. Cần bóc tách nhóm vi phạm Luật Cán bộ công chức, đạo đức công vụ, thoái thác công việc hay tự ý bỏ vị trí và có định lượng rõ ràng, trên cơ sở những quy định về nghĩa vụ của cán bộ công chức, không nói chung chung. Phải xử lý nghiêm từng hành vi vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị mới làm chuyển biến tình trạng này và Chính phủ cần có báo cáo hàng năm về vấn đề này”, Đại biểu Đồng Ngọc Ba kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm của Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) đề nghị phải rà soát văn bản quy phạm pháp luật và xem xét tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức theo cách nhìn khách quan. Bởi tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức có mối quan hệ tương quan rất chặt chẽ với hệ thống pháp luật hiện hành.
“Nếu đã có quy định rõ nhưng cán bộ công chức không làm, trách nhiệm thuộc về cán bộ công chức, nhưng ngược lại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có sự mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất sẽ lại khiến cán bộ công chức sẽ giữ gìn sự an toàn của mình, không ai dám làm những việc mà pháp luật quy định không rõ ràng. Bởi nếu họ làm sẽ sợ rủi ro, hậu quả về pháp lý và đã từng có một số cán bộ đã nhận hậu quả rủi ro về pháp lý vì các quy định không rõ ràng. Cần tạo điều kiện cho cán bộ công chức có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện và không để hậu quả pháp lý xảy ra với cán bộ thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Lò Thị Luyến bày tỏ.
Tăng thu ngân sách từ những lĩnh vực tiềm năng
Phản hồi một số vấn đề liên quan đến thu ngân sách tại thảo luận tổ sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (đoàn Bình Định) cho biết, sở dĩ thu NSNN năm 2022 đạt cao hơn 2023 là vì đây là năm đầu tiên thực hiện hóa đơn điện tử, tạo ra nguồn thu đáng kể khi trước đây chưa thu. Năm 2022 Bộ Tài chính cũng triển khai việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo đúng luật quản lý thuế; thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới nên nguồn thu tăng lên.
Trong khi năm 2023, thu thuế nội địa lại giảm từ giá dầu thô giảm. Lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, xung đột quân sự Nga - Ukraine đã khiến xuất nhập khẩu năm 2023 cũng giảm, khiến tốc độ thu ngân sách năm 2023 không được như năm 2022.
“Bộ Tài chính đã và đang nỗ lực tìm mọi giải pháp, biện pháp để tăng thu ngân sách, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, những khó khăn của DN. Bộ Tài chính tìm cách thu những khoản thu tiềm năng trước đây từng không thu được, như sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, mua bán online. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng phần mềm kiểm soát hóa đơn điện tử, chống gian lận trong hoàn thuế VAT, kiểm soát xuất hóa đơn xăng dầu theo từng lần bán…”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Theo VOV.VN