Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Kinh tế tăng trưởng nhưng còn nhiều vấn đề 'nóng'

Sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều vấn đề 'nóng' đã được Chính phủ nhận diện và tìm kiếm giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.

 

Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%

Sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) những tháng đầu năm 2024.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, tình hình KT-XH những tháng cuối năm 2023 tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25%, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2% và tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá. Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Phó Thủ tướng thông tin tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Số hộ gia đình có thu nhập tăng lên và ổn định đạt trên 94%.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2023 là rất đáng ghi nhận, trân trọng và tự hào.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh:

Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, nghĩa là lực lượng yếu thế trong xã hội, những người nghèo đang phải chi trả cho người giàu cho nhu cầu cơ bản về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng. Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển KT-XH của đất nước, thậm chí về lâu dài có thể dẫn đến bất ổn xã hội.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay:

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: thu NSNN, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI … Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu.

Song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng và thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn. Hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.

“Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói.

Về hoạt động DN, 4 tháng đầu năm, cả nước có 81.300 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng lại có đến 86.400 DN rút lui khỏi thị trường. Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp hơn số lượng DN rút lui khỏi thị trường.

Ngoài ra, theo cơ quan thẩm tra của quốc hội, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. DN bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Người có nhu cầu không thể mua được do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh lệch giá nhà ở xã hội rất lớn. Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ tình trạng đầu cơ đất đai trong thời gian qua đã dẫn đến một số hệ lụy, khiến người có nhu cầu thực để ở, để sản xuất, kinh doanh không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của DN, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận