Giảm hàng trăm đơn vị từ tổng cục tới sở, phòng

Các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban; giảm 108 phòng. Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác...

 

Báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023 của Chính phủ cho biết điều này tại Phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều nay 15/5.

Tinh giản biên chế hơn 7 nghìn người trong năm 2023

Chính phủ cho biết, trong năm 2023, công tác THTK, CLP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước; nhận thức, trách nhiệm về THTK, CLP của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.Kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách được tăng cường. Nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu tiết kiệm triệt để, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN.

Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả đã tiết kiệm được 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 tiết kiệm chi NSNN đạt 53.887 tỷ đồng). Có 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có số tiết kiệm về chi ngân sách, trong đó một số Bộ, ngành, địa phương có số tiết kiệm cao; một số địa phương đã thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên phạm vi cả nước, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia đạt cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Liên quan đến tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 Cục và 144 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) thuộc bộ, ngành.

Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị SNCL, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị SNCL (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị SNCL.

Tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023 là 84.140 người; năm 2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người.

Năm 2023, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 30 văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528 thủ tục hành chính (TTHC)/1.086 TTHC (đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.600 quy định kinh doanh). Kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc.

Vẫn còn lãng phí, bộc lộ nguy cơ dẫn đến tham nhũng

Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với nhiều kết quả tích cực, song cơ quan này đánh giá công tác THTK, CLP vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.Biểu hiện như còn hạn chế về hoàn thiện thể chế. Sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch cũng như việc thực thi thiếu nhất quán của một số địa phương khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, lãng phí, nhiều dự án phải dừng thi công do vướng thủ tục pháp lý, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…

Công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 CTMTQG, Chương trình phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế dẫn tới lãng phí nguồn lực.

Còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm do đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận