Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, giữ nguyên quận Hoàn Kiếm

Sáng 15/5, sau một buổi sáng làm việc kỳ họp chuyên đề - Kỳ họp thứ 16 HĐND Thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

 

HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 8 Nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nêu rõ: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Hà Nội là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lớn nhất (61 xã, phường/tổng số 624 xã, phường của toàn quốc, chiếm tỷ lệ khoảng gần 10% số lượng đơn vị hành chính cấp xã của toàn quốc sẽ giảm do sắp xếp đợt này).

Bế mạc kỳ họp chuyền đề (kỳ hợp 16) HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI.

“Đề nghị UBND Thành phố tập trung, khẩn trương hoàn thiện Đề án, gửi Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong hệ thống chính trị của Thành phố, nhất là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và Nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương, Thành phố.

Đồng thời, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng phương án sắp xếp đảm bảo khoa học, linh hoạt, đúng quy định, phù hợp thực tiễn của từng địa phương. Phối hợp rà soát, sắp xếp tổ chức Đảng, đoàn thể; sắp xếp tổ chức, bộ máy, đặc biệt quan tâm đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố, đối với việc sắp xếp các trụ sở, tài sản công phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định, hiệu quả và tránh lãng phí. Đồng thời, rà soát, xây dựng lộ trình, kế hoạch, tạo điều kiện tốt nhất trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, giấy tờ của Nhân dân. Tiếp tục, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.

Đối với Nghị quyết về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, UBND Thành phố và các cơ quan liên quan triển khai đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật; tài sản công được đầu tư, trang bị và sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

“Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”, ông Tuấn nói.

Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Thành phố. “Đề nghị UBND Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; ưu tiên nguồn lực bố trí cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc của Thành phố”.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, với các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, tư pháp, xây dựng được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp này là cơ sở pháp lý để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, phục vụ Nhân dân.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, ngay sau kỳ họp, đề nghị UBND Thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai đảm bảo các nghị quyết của HĐND Thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Hà Nội, số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: 1 đơn vị (quận Hoàn Kiếm).

Lý do: quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hoá của thành phố Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Khu phố cổ gồm 10 phường có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ bao gồm: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Cửa Đông, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ gắn với lịch sử hình thành lâu đời của khu 36 phố phường, có 5 cửa Ô từ đầu thế kỷ XX.

Quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc được chia ra làm 3 khu vực chính: khu phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ đã giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay. Từ năm 1995, Trung ương và Thành phố đã phê duyệt 4 Đề án quy hoạch dành riêng cho khu vực này (1 quy hoạch của Bộ Xây dựng; 1 quy hoạch của Thành phố; 1 Quy chế quản lý và 1 quy hoạch phân khu) để khẳng định tầm quan trọng vị trí đặc biệt cần bảo tồn, gìn giữ đối với khu phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm.

Nếu thực hiện sắp xếp quận sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

H.La/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận