'Quốc hội cần lên tiếng khi trẻ em bị xâm hại gây bức xúc'

Nhấn mạnh điều này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với việc đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách về bảo vệ trẻ em.

 

Sáng ngày 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp thứ 33, cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2020.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo, nhấn mạnh năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, đối với nội dung về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9; UBTVQH sẽ giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp (tháng 9).

Về nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội trình đề nghị lựa chọn 2 trong 3 nội dung. Sau khi thảo luận, các ý kiến trong uỷ ban thường vụ đều thống nhất lựa chọn giám sát: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA). Những nội dung này sẽ được trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp tới.

Tán thành cao với báo cáo của Tổng Thư ký, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý năm 2020 có rất nhiều công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng, cũng như là năm Việt Nam đảm nhận chủ nhà của nhiều sự kiện đối ngoại nên việc chỉ lựa chọn giám sát 2 chuyên đề ở Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban có thể lựa chọn giám sát các vấn đề bức xúc khác, hướng vào những nội dung nhằm đóng góp vào các báo cáo văn kiện Đại hội Đảng.

"Vấn đề về trẻ em nếu tính cả bạo lực học đường thì rất nhiều. Tôi thống nhất nên chọn đề án này nhưng góc độ nào thì cần tính toán, có thể liên quan tư pháp, thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em. Quốc hội cũng phải lên tiếng về vấn đề này khi hằng ngày nghe bao nhiêu vụ xâm hại trẻ em như thế. Tôi tin sẽ được đa số đại biểu Quốc hội đóng góp" - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh hiện nay nổi lên bạo lực học đường; quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc. Do đó nên chọn giám sát về bảo vệ trẻ em nhưng tập trung vào vấn đề tư pháp.

Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng như tờ trình của Tổng Thư ký thì phạm vi rất rộng. Uỷ ban này cũng từng thực hiện phiên giải trình về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nên nếu khuôn lại ở vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em sẽ quét được cả vấn đề bạo lực học đường, bạo hành trẻ và cả xâm hại trẻ em.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết các ý kiến thống nhất báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp (tháng 9). Hai chuyên đề được chọn trình Quốc hội là về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA). Cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh câu chữ, phạm vi cho phù hợp.

Ngoài ra, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban chú trọng các phiên giải trình; tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách thức triển khai để nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát./.

(Theo Ngọc Thành/VOV.VN)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận