Sáng nay (13/5), tại phiên họp 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thẳng thắn nêu ra 4 vấn đề. Thứ nhất, giá vé máy bay tăng cao nhưng chưa kịch trần theo báo cáo của Cục Hàng không, thế thì còn tăng nữa không và nó ảnh hưởng gì đến du lịch? “Bây giờ dân người ta đi từ Sài Gòn ra Hà Nội mua vé qua Thái Lan rồi mua vé từ Thái Lan về Hà Nội mà nhiều tháng rồi chứ không phải mới. Đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính phải trả lời dứt khoát còn tăng kịch trần nữa không và đến bao giờ kịch trần để không tăng nữa, ảnh hưởng đến kinh tế, du lịch thế nào? Tôi cảm giác chỗ này không ổn lắm” - ông Phương nói.
Thứ hai, giá vàng “nhảy múa” vừa rồi thì công tác quản lý thế nào? Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn rằng “không lẽ cứ để nó nhảy múa thế, thị trường gì thì thị trường nhưng không để thị trường “nhảy múa” như thế được”.
“Tôi chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng - giảm đột biến thế. Tôi đề nghị công tác quản lý Nhà nước phải rõ” - ông Trần Quang Phương nêu quan điểm.
Thứ ba, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá áp lực lạm phát đối với Việt Nam thế nào vì hiện các báo cáo chưa thể hiện rõ. “Các đồng chí nói trong tầm kiểm soát, tức là chưa đến 4%, nhưng tôi e rằng với cách điều hành này là khó đấy”.
Cuối cùng, ông Trần Quang Phương đề nghị rõ quan điểm Chính phủ về khắc phục các quy định của các nghị định, thông tư về phòng cháy chữa cháy.
“Phải nói rõ cho người dân, doanh nghiệp quan điểm sửa cái này thế nào. Doanh nghiệp từ đầu năm ngoái có ý kiến và mình có thông tư hướng dẫn rồi nhưng đến bây giờ, năm 2024 đang đề xuất sửa luật rồi nhưng quy định về PCCC vẫn là điểm nghẽn trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế, rất nghẽn!” - theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Cũng đề cập đến thị trường vàng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao.
“Chúng tôi thấy đã có những chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước để quản lý thị trường vàng. Nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay, giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra đấu thầu vàng được vài phiên, nhưng giá vàng tăng đến mức tột đỉnh”, bà Lê Thị Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, cần quản lý chặt chẽ thị trường và cần có bàn tay của Nhà nước đề can thiệp vào thị trường.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, du lịch thời gian qua phục hồi ấn tượng nhờ những điều chỉnh về chính sách cũng như các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị chú ý điều tiết giá dịch vụ hàng không.
“Dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua cũng như cuối năm vừa rồi di chuyển sôi động. Nội bộ thu hút khách rất đông nhưng với những cơ sở phải di chuyển xa bằng hàng không thì gặp khó khăn hơn. Hàng không trong đại dịch có khó khăn, họ phải lo việc của họ, tuy nhiên hai bên nên có sự hợp tác để hiệu quả cao hơn” - ông Vinh nêu ý kiến.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị cần đánh giá kỹ hơn tại sao thị trường vàng lại "nhảy múa" và có thời điểm đạt mức cao lên tới hơn 92 triệu đồng/lượng.
Theo bà, cần đánh giá tại sao lĩnh vực đầu tư tư nhân và đầu tư vàng lại đang diễn ra như vậy, đồng thời có giải pháp.
Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ lo ngại tình trạng giá vàng tăng đột biến sẽ làm tăng chi phí hàng hoá, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp.
“Biến động thị trường vàng là vấn đề cần được quan tâm, Chính phủ cần có phương án điều hành, quản lý thị trường này và khắc phục tình trạng giá vàng miếng chênh cao so với thế giới”, ông Trần Thanh Mẫn nói, đồng thời nhấn mạnh phương án điều hành thị trường này sẽ góp phần cân bằng mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát”.
Nguyên nhân do đâu?
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, mức tăng bình quân giá vé máy bay của VNA từ 14-20% trên các đường bay.
Ông cũng phân tích các nguyên nhân chính: Thứ nhất là giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá, vì toàn bộ cấu thành chi phí giá hàng không thì 65-70% là từ nhiên liệu. Hai là việc thu hồi máy bay để sửa chữa trên toàn thế giới, trong dó Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng với 33 máy bay thân hẹp, bắt buộc các hãng hàng không phải tăng chi phí thuê.
Thứ ba, nhu cầu giai đoạn dịp lễ rất cao cũng đẩy giá vé tăng...
Trước ý kiến băn khoăn đường bay qua Thái Lan rẻ hơn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Thái Lan có chính sách kích cầu du lịch nên giảm gần như triệt để phí hàng không. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, xu hướng chung là giá vé máy bay trên thế giới tiếp tục tăng.
Vừa qua, Bộ GTVT ban hành các quy định rà soát toàn bộ chi phí và kê khai giá, tăng chuyến bay đêm, dùng máy bay thân rộng khi thiếu máy bay thân hẹp để đáp ứng nhu cầu đi lại với chi phí hợp lý.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng khẳng định, giá vé máy bay tăng có ảnh hưởng đến du lịch. Giải pháp được ông nhấn mạnh là việc tăng cường mở các loại tàu và khai thác các chuyến tàu mới, ví dụ Hà Nội mở tuyến SE19, 20 phục vụ chặng Hà Nội - Đà Nẵng, với TPHCM vừa qua khai thác tàu SE 21,22 chất lượng cao chạy từ TPHCM đến Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, để giải quyết trong tình trạng khan hiếm máy bay thân hẹp.
“Với vận tải hành khách, cự ly dưới 1.000km thì đường sắt vẫn là chi phí hợp lý nhất, còn thị phần trên 1.000km mới là hàng không. Bộ GTVT hiện nay đã đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có và đầu tư các tuyến đường sắt mới để về lâu dài tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách bền vững và hợp lý nhất” – ông Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Về thị trường vàng trong nước, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian qua bộc lộ một số hạn chế, chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế thường xuyên giữ ở mức cao.
Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Thanh Hà cho biết do giá giá vàng thế giới tăng cao, đến hôm nay đã tăng 14% so với đầu năm cũng dẫn đến giá vàng trong nước tăng.
Bên cạnh đó, nguồn cung vàng trong nước hạn chế cũng khiến giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế.
Đề cập giải pháp, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh việc tổ chức các phiên đấu thầu để ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch giá. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục triển khai thanh kiểm tra với các DN, tổ chức có kinh doanh mua ban vàng miếng, yêu cầu chấp hành nghiêm quy định và phối hợp xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
“Giá vàng có chuyển biến và đã có giảm. Ngày mai chúng tôi tổ chức phiên đấu thầu vàng tiếp theo, trong tuần này tổ chức 2 phiên đấu thầu để tăng nguồn cung vàng”- ông Phạm Thanh Hà cho biết, đồng thời cho rằng về lâu dài NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ ngành đề xuất thêm các biện pháp phù hợp tình hình mới, trong đó có sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng.
Theo VOV.VN