'Quản lý thị trường vàng còn bất cập, nguồn lực còn bị 'chôn' vào đất'

Theo Ủy ban Kinh tế của QH, quản lý thị trường vàng có nhiều bất cập, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp; và phân tích hệ lụy của tình trạng đầu cơ đất

 

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp; đồng thời phân tích hệ lụy của tình trạng đầu cơ đất đai.

Sáng nay 13/5, tại phiên họp 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản đạt được kết quả tích cực, có 10/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Kế hoạch đề ra.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục, như tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện. Bởi tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm đầu nhiệm kỳ chỉ đạt hơn 5,2%, đặt ra nhiều thách thức cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021 - 2025 (6,5 - 7%).

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới.

Ở trong nước, năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Với nhiều quyết sách, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023, đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng.

“Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập”

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế cho rằng, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP Quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp).

Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.

“Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã vượt 25 nghìn đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới, chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn duy trì ở mức âm; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp” – ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.

Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn chậm...

Hệ luỵ khi nguồn lực bị “chôn” vào đất”

Về thị trường BĐS, theo ông Vũ Hồng Thanh, có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp BĐS tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, theo ông Vũ Hồng Thanh, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy. Đó là người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ).

Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.

“Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận