Tiếp tục ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 là minh chứng mạnh mẽ nhất cho cam kết của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Ngày 7/5/2024 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu Đoàn đại biểu gồm nhiều bộ, ngành ở Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Tại phiên đối thoại này, đoàn Việt Nam đã đề cập một cách tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam kể từ lần rà soát UPR trước (2019), cập nhật khuôn khổ chính sách và pháp luật liên quan đến quyền con người, thông tin về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Để giúp độc giả hiểu hơn về những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, nhất là trong 5 năm trở lại đây, Báo Điện tử VOV sẽ làm rõ hơn các thành tựu bảo đảm quyền con người trên nhiều lĩnh vực, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến thành tựu xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, quyền của người dân tộc thiểu số.... Trước hết, VOV.VN đăng tải bài viết số 1 nhan đề "Không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người".
Sửa Luật đất đai và hàng loạt văn bản luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người
Hiến pháp 2013 lần đầu tiên chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước là "công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân", trách nhiệm của Chính phủ là “bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa… Pháp luật quy định trừng phạt nghiêm khắc các hành vi tước đoạt mạng sống của con người một cách tùy tiện; nghiêm cấm tra tấn nhục hình; chỉ áp dụng án tử hình với các loại tội đặc biệt nghiêm trọng nhất. Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 08 tội danh; không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội...
Có thể nói, từ Hiến pháp 2013, hàng loạt các bộ luật chuyên ngành đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý toàn diện bảo đảm quyền con người về dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong xã hội.
Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây kể từ lần rà soát UPR trước, Việt Nam đã thông qua hoặc sửa đổi 45 luật và hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quyền con người, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân như Bộ Luật Lao động, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng chống Ma túy và Luật Phòng chống Bạo lực gia đình.
Đồng thời, tiến trình xây dựng pháp luật ngày càng minh bạch và bao trùm với sự tham gia rộng rãi của người dân. Ví dụ, trong quá trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thông qua các kênh trực tiếp và trực tuyến, đã có hơn 12 triệu lượt góp ý và phản hồi về dự thảo.
Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025 với rất nhiều điểm mới và nhận được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà quản lý. Một trong những điểm mới của Luật được nhiều người dân đặc biệt quan tâm đó chính là vấn đề thu hồi, bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Theo đó, Luật đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch… Việc này hướng đến bảo vệ cho người dân có đất bị thu hồi và đảm bảo cho người dân có được lợi ích thỏa đáng.
Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra các quy định giúp tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch. Việc này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề bất cập trước đây…
Bên cạnh đó, nhiều quy định khác trong Luật đã được xây dựng nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Biểu hiện rõ nhất qua việc mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số. Luật cũng giải quyết câu chuyện cân bằng lợi ích giữa các bên trong quan hệ đất đai…
Quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức
Trong 5 năm qua, Việt Nam cũng tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp với các cam kết quốc tế. Việt Nam đã gia nhập các công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, trong đó có Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước 105 của (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Tại Điều 3 về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 tại Phụ lục 02 và các văn bản pháp luật khác để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết trong Công ước số 98.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 98; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 98 để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
1 năm sau đó, tháng 6/2020, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xoá bỏ lao động cưỡng bức.
Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Tính đến ngày 19/02/2020, trên thế giới đã có 173 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.
Việc gia nhập Công ước số 105 cũng tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên tham gia Hiệp định tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản; đồng thời yêu cầu các bên thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO.
Về pháp lý, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cưỡng bức lao động và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này (Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người...). Đây là những tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước số 105. Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lao động cưỡng bức tại Việt Nam.
Cùng với công cuộc đổi mới, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 Công ước cơ bản. Nội dung của các công ước đã được nội luật hóa kịp thời trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.
Việt Nam cũng đã chủ động nộp báo cáo rà soát định kỳ phổ quát lần 1, 2, 3, 4 và các báo cáo quốc gia về tình hình thực thi nghĩa vụ đối với các công ước về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Có thể nói, tiếp tục ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 là minh chứng mạnh mẽ nhất cho cam kết của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Theo VOV.VN