Theo giáo sư Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của chiến lược quân sự đỉnh cao được hoạch định bởi Bộ Chính trị, bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vào hồi 17h30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm của Tướng Đờ Cát (de Castries), chấm dứt Chiến dịch Điện Biên Phủ sau 56 ngày đêm khói lửa, đặt dấu chấm hết cho ách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra hy vọng cho nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới. 70 năm đã trôi qua, trong suy nghĩ người dân Pháp, trận chiến Điện Biên Phủ vẫn còn mãi vang dội và quan trọng hơn cả, đây là một chiến thắng không thể phủ nhận.
Điện Biên Phủ - Đỉnh cao của Nghệ thuật chiến tranh Nhân dân
Với người Pháp, trận Điện Biên Phủ là vô cùng quan trọng, là trận đánh bản lề trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của họ nói chung sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi đó, quân đội Pháp, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Mỹ, được trang bị những vũ khí tối tân hiện đại bậc nhất thế giới. Không một chuyên gia nào nhận định Pháp có thể thất bại tại cuộc chiến này. Thế nhưng, với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam đã chứng minh được điều không thể.
Nhà sử học Pháp Alain Ruscio, người có nhiều công trình nghiên cứu về thời kỳ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương khẳng định, Điện Biên Phủ là một khoảnh khắc quan trọng của lịch sử của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng này là kết quả cuộc một cuộc chiến khó khăn, bắt đầu từ sự đơn độc, bởi ngay từ đầu, những người lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bị cô lập. Sau đó, diễn biến cuộc chiến đã thay đổi với khái niệm "chiến tranh nhân dân", đây không còn là một cuộc chiến với những binh sĩ chuyên nghiệp mà có sự đồng lòng, hy sinh và quyết tâm của cả một dân tộc. Đây là lần đầu tiên khái niệm "chiến tranh nhân dân" được nhắc đến trên thế giới.
Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Việt Nam đã huy động hàng trăm nghìn dân công, thanh niên xung phong, bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên Phủ để bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. Hơn 35 ngàn người vận chuyển, trên 20 nghìn xe đạp thồ đã mang lên Điện Biên hơn 14.000 tấn vũ khí, lương thực, trang thiết bị. Chưa kể đến, lực lượng hậu phương, những người bà, người mẹ, người chị… vẫn luôn tích cực lao động sản xuất để phục vụ tiền tuyến, đóng góp không thể phủ nhận làm nên chiến thắng vang dội năm châu, trấn động địa cầu.
Điện Biên Phủ - Sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao
Theo giáo sư Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của chiến lược quân sự đỉnh cao được hoạch định bởi Bộ chính trị, bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là sự kết hợp thống nhất và hiệu quả giữa 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Bước vào đàm phán về Đông Dương tại Genève ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ là điều không thể tuyệt vời hơn…
Ông Journoud nhấn mạnh, vào thời điểm Hội nghị Tứ cường (Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp) thỏa thuận triệu tập hội nghị quốc tế ở Geneva vào ngày 26/4/1954, nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên, Việt Nam vẫn chưa được đặt lên bàn nghị sự của các nước lớn. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, quân đội và nhân dân Việt Nam đẩy mạnh tiến công, buộc các nước Mỹ, Anh và Pháp chấp nhận đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva (2/5/1954).
Và với chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào cuộc đàm phán với tư cách người chiến thắng. Không thể phủ nhận, lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, buộc Pháp phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.
Điện Biên Phủ - Niềm hy vọng cho các dân tộc thuộc địa
Theo quan điểm của cựu phóng viên báo Nhân đạo (L’Humanité) thường trú tại Việt Nam từ 1980-1986, Daniel Roussel, chiến thắng của Việt Nam trên trận địa Điện Biên Phủ là điều không thể phủ nhận và mang lại hy vọng cho các dân tộc thuộc địa.
Cựu phóng viên báo Nhân đạo khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và quân đội nhân dân Việt Nam không bao hàm yếu tố may mắn. Khi tướng Giáp quyết định tổng tiến công, ông hoàn toàn nắm chắc chiến thắng. Và chiến thắng Điện Biên Phủ đã vượt qua khuôn khổ một cuộc chiến, đánh dấu kết thúc của thời kỳ thực dân. Ảnh hưởng vang dội đến các quốc gia đang chịu ách đô hộ của thực dân, cụ thể là các dân tộc tại lục địa đen, Bắc Phi, Nam Mỹ.
Đại diện cho giới trẻ Pháp, anh Leonard Lema, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản thành phố Saint Pierre des Corps bày tỏ chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn động viên bất tận cho các dân tộc bị áp bức.
"Sự kiện Điện Biên Phủ có một tác động rất lớn đến các phong trào giải phóng dân tộc tại nhiều khu vực. Là một người gốc Nam Mỹ, tôi đã nghe gia đình tôi kể nhiều về những sự kiện này. Đối với bố tôi, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng mang tính biểu tượng. Chúng ta cũng nhìn thấy những điều tương tự tại Algeria và cả ở những nơi mà các dân tộc bị áp bức"-anh Leonard Lema nói.
Đồng quan điểm với anh Lema, chị Astrid Gonzalez, Thư ký Phong trào Cộng sản trẻ Vùng Indre et Loire, chia sẻ: "Chiến thắng Điện Biên Phủ là hy vọng thắng lợi, là niềm tin dành cho những người yếu thế trước những sức mạnh không tưởng, là động lực để tiếp tục đứng lên chiến đấu với những kẻ địch hùng mạnh".
70 năm đã qua đi, mọi viết thương đều đã lành, thay thế bằng tình bạn và hòa bình nhưng những ký ức về trận chiến Điện Biên Phủ chấn động năm châu, vang đội địa cầu vẫn còn sống mãi trong tâm trí người dân Pháp, đó là một thực tế không thể phủ nhận.
Theo VOV.VN