Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT

Việc thúc đẩy các dự án giao thông, góp phần quan trọng giải ngân đầu tư công, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới, khu đô thị mới, khu du lịch mới,...

 

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các Ban quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, cả nước đang thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, trong đó có các đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại niềm vui cho nhân dân, tạo không gian phát triển mới, góp phần tạo thuận lợi, giảm giá thành vận tải, giảm chi phí đầu vào, tăng cạnh tranh cho hàng hóa.

Phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm GTVT.

Tại Phiên họp thứ 10, Ban Chỉ đạo đã rà soát, đưa ra 53 nhiệm vụ, trong đó 15 nhiệm vụ có thời hạn; cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có 21 văn bản chỉ đạo liên quan nhằm thúc đẩy triển khai các dự án; các bộ, ngành, địa phương đã bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ, trình Quốc hội xem xét việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa; khai thác mỏ vật kiệu, thí nghiệm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên Lễ, xuyên Tết", "bàn làm không bàn lùi" và đạt kết quả tích cực.

Cũng từ sau Phiên họp thứ 10 tới nay, đã đưa vào khai thác và thông xe 2 tuyến đường bộ cao tốc là Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt, nâng tổng số tuyến đường cao tốc trên trục Bắc - Nam là 1.187km và tổng chiều dài các tuyến cao tốc trên cả nước trên 2.000 km. Tuy nhiên, một số dự án vẫn còn chậm so với yêu cầu và còn dư địa rút ngắn thời gian thi công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm GTVT.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát công việc, đánh giá tình hình, chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, cấp vốn; chỉ rõ vướng mắc ở đâu, khâu nào, trách nhiệm của ai; đồng thời đề xuất giải pháp giải quyết.

Cho biết, việc thúc đẩy các dự án giao thông, góp phần quan trọng giải ngân đầu tư công - một trong 3 động lực phát triển; đồng thời tạo ra không gian phát triển mới, khu đô thị mới, khu du lịch mới,... Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đề xuất các giải pháp huy động các nguồn lực, sức mạnh tổng hợp để phát triển hạ tầng giao thông; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc,… để các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ/mỹ thuật, an toàn, bảo đảm môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực,…

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo Bộ Giao thông vận tải, về tình hình triển khai các dự án trọng điểm: đối với công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã tích cực triển khai và bàn giao mặt bằng để thi công, tuy nhiên, việc triển khai tại một số địa phương vẫn còn chưa đạt so với yêu cầu, công tác giải phóng mặt bằng tại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận còn chậm; việc di dời các đường điện cao thế còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt đối với các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu và dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Về vật liệu xây dựng thông thường, phần lớn đáp ứng nhu cầu cho các dự án. Tuy nhiên tại một số dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục để khai thác mỏ; mặt khác công suất khai thác các mỏ cũng không đáp ứng yêu cầu vật liệu cho san lấp, đắp nền, nhất là tại các dự án thành phần đường bộ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Cà Mau; các dự án thành phần 2, 3 đường Vành đai 4 Hà Nội. Về khai thác cát biển, đến nay nhà thầu đã hoàn tất các thủ tục khảo sát, lập hồ sơ đăng ký khu vực và khối lượng khai thác.

Đại diện các Bộ, ngành tham dự phiên họp.

Các nhà thầu tận dụng thời tiết thuận lợi, tích cực triển khai thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, tiến độ cơ bản bám sát kế hoạch; riêng dự án Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận chậm so với kế hoạch do thiếu nguồn vật liệu đắp và chưa đủ mặt bằng thi công. Tiến độ triển khai thi công tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hung Yên, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hà Giang, Đồng Tháp bám sát yêu cầu; các tỉnh còn lại tiến độ chưa đạt yêu cầu do các vướng mắc về mặt bằng thi công cũng như nguồn vật liệu đắp. Tỉnh Bắc Ninh còn 1 gói thầu thuộc dự án Vành đai 4 Hà Nội chưa lựa chọn xong nhà thầu. Tỉnh Hòa Bình, Tiền Giang chậm trong tổ chức triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Cao Lãnh - An Hữu.

Đặc biệt, đối với Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ. Trong đó, gói thầu nhà ga hành khách đang thi công phần bê tông cốt thép bảo đảm tiến độ yêu cầu và phấn đấu đến tháng 9/2024 chuyển sang lắp dựng kết cấu thép mái; các gói thầu đường cất hạ cánh, tuyến giao thông kết nối đang triển khai đáp ứng tiến độ đề ra. Dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang triển khai thi công bám sát tiến độ đề ra.

Vũ Khuyên/VOV

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận