Lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa: Có huy động được nguồn hay không?

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam cần tính đến việc có huy động được nguồn lực hay không...

 

Sáng 3/5, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 7, thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm là quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Đây cũng là vấn đề còn có ý kiến băn khoăn khi được cho ý kiến tại Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4 vừa qua.

Cần thiết có Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam?

Báo cáo tiếp thu, giải trình về nội dung này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, luật hiện hành chỉ quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhưng chưa quy định rõ nội dung, việc thực hiện đóng góp tài trợ như thế nào? Việc này dẫn đến việc thực hiện không khả thi.

Với đặc thù di sản văn hóa, coi trọng tính nguyên gốc, di sản đã mất đi là không thể phục hồi. Thực tế, di sản văn hóa Việt Nam rất phong phú và đa dạng về loại hình, rất nhiều di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu như di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, nhiều di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu bị xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến sự tồn tại, nhiều di vật, cổ vật quý còn ”lưu lạc” ở nước ngoài...

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 7, thẩm tra dự án luật Di sản văn hóa sửa đổi.Trong khi đó, kinh phí Nhà nước còn hạn chế, rất cần có nguồn huy động từ quỹ ra đời sẽ để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong việc cùng với Nhà nước tạo nên nguồn lực tài chính cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tế triển khai các hoạt động về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà chưa được ngân sách bố trí kinh phí hoặc kinh phí chưa đủ để bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có nguy cơ mai một, thất truyền, tu bổ, chống xuống cấp di tích, sưu tầm và mua và đưa các hiện vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước, mua và bảo quản các hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt ở trong nước...

Vì vậy, quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là rất cần thiết, là căn cứ pháp lý thành lập quỹ, giúp giải quyết vướng mắc, khó khăn hiện nay của ngành Di sản văn hóa, bảo đảm thúc đẩy phát triển đột phá trong lĩnh vực di sản văn hóa, góp phần cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, bảo tồn giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng cho biết, một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 792 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính của một số luật.

Trong thực tế, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành, như: Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, Quỹ phòng, chống tác hại rượu bia. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục cân nhắc về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Vẫn còn ý kiến khác nhau

Nêu quan điểm về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ tán thành với mục đích, tiêu chí thành lập quỹ, song rất băn khoăn khi trong quá trình thông qua nhiều luật khác, nhiều đại biểu đã có ý kiến về việc thành lập các quỹ ngoài ngân sách.

Theo nữ đại biểu, cần tính đến việc có huy động được nguồn lực hay không hay lại rơi vào tình trạng Quỹ phát triển du lịch sau mấy năm luật có hiệu lực không huy động được bất cứ nguồn lực nào vào quỹ.

“Tôi nhớ rằng, Quỹ phát triển du lịch hiện nay đã được bổ sung 300 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Một quỹ ngoài ngân sách nhà nước nhưng cuối cùng lại huy động ngân sách nhà nước vào quỹ đấy thì có đúng với mục đích thành lập quỹ hay không. Điều này chúng ta cần cân nhắc”, theo bà Nga.

Song song sửa luật Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL cũng đang xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng thay vì việc quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa thì bộ rà soát thật kỹ những nhiệm vụ nào cấp bách mà Nhà nước chưa bố trí được ngân sách hoặc bố trí chưa đủ thì xây dựng trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ hợp lý hơn.

“Tôi vẫn e ngại chúng ta thành lập quỹ ngoài ngân sách nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách vào quỹ khó khăn. Tôi đề nghị thực sự cần có tổng kết những quỹ tài chính ngoài ngân sách trong các luật đã thông qua thời gian qua đã huy động nguồn lực ngoài ngân sách như thế nào, có hiệu quả hay không để tiếp tục xem xét việc thành lập quỹ khác. Còn với luật nào cũng đề nghị thành lập quỹ thì hiệu quả chưa cao”, bà Nga nói.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cũng cho rằng trước đây khi Quốc hội thông qua một luật thường gắn với một loại quỹ. Sau đó, Quốc hội đã tiến hành giám sát các quỹ ngân sách ngoài ngân sách, đề nghị rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động các quỹ tài chính của một số luật. Sau đó, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành. Do đó, bà đề nghị ban soạn thảo cân nhắc và làm rõ hơn nữa, đánh giá lại hiệu quả nếu quy định quỹ bảo tồn văn hóa.

“Trong báo cáo giải trình chưa đủ sức thuyết phục nên cần làm rõ quỹ này hiệu quả như thế nào và đi đến đâu. Tới đây, nếu giữ lại trong dự luật sẽ đạt được mục tiêu thế nào”, nữ đại biểu góp ý.

Còn đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) lại cho rằng, nên có Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Bởi, viêc thông qua quỹ sẽ có cơ chế linh hoạt để tiếp nhận được nhiều hơn các khoản viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước, có thêm nguồn lực cho bảo tồn di sản văn hóa.

Hiếu Minh/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận