Sức ép cải cách từ những chỉ số…!

Báo cáo PAPI, hay PCI hàng năm đã trở thành sức ép lớn với các địa phương khi không cải thiện được điểm số.

 

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018 được công bố ngày 2/4, cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan về sự cải thiện dịch vụ hành chính công của nhiều địa phương, cùng những lưu ý về mối quan ngại của người dân về các vấn đề tham nhũng, ô nhiễm môi trường.

Còn vào tuần trước, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 cũng được công bố, với nhiều nhận xét đáng chú ý về môi trường kinh doanh. Có thể thấy, từ ban đầu chỉ là những con số tham khảo, đến nay, thông tin, phát hiện từ những nghiên cứu khi công bố các chỉ số này, đã trở thành sức ép không nhỏ với các địa phương, khi “trên nhìn xuống”, “dân trông vào”.   

Tổng hợp ý kiến của hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh/thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018, có thể nhận thấy điểm nổi bật là người dân hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản. Tương tác với người dân cũng tăng lên. Nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập giảm. Nhưng nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm.

Báo cáo PAPI 2018 cho thấy, người dân đã hài lòng hơn với hầu hết các dịch vụ công. Ảnh: PV

10 năm nghiên cứu PAPI, việc thu nhận được ý kiến, cảm nhận của hàng trăm nghìn lượt người dân trên toàn quốc đã khiến chỉ số này trở thành một nguồn dữ liệu khách quan, cập nhật về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Bộ chỉ số PAPI được xây dựng trong dự án phối hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và một số đơn vị thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, qua 10 năm, PAPI đã trở thành bộ chỉ số đáng tin cậy, hiện thực hóa mục tiêu hỗ trợ cải thiện tính minh bạch, khuyến khích đổi mới, mở rộng “không gian” để xã hội tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách, thực thi và giám sát thực thi chính sách. Đồng thời, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu định lượng nhằm phục vụ công tác hoạch định chính sách.

Còn với Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành nghiên cứu, khảo sát, thì đến nay đã là năm thứ 14 công bố, đã trở thành nguồn cảm hứng, động lực, và cũng là sức ép lớn cho nhiều địa phương trong cuộc đua “nâng hạng” năng lực cạnh tranh. Báo cáo PCI 2018 chỉ ra những điểm thú vị về các tỉnh thuộc “top” dẫn đầu, ghi nhận nỗ lực, sự quan tâm sát sao, có chất lượng của người đứng đầu địa phương trong cải thiện kinh doanh.

Câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ninh, Đồng Tháp là những điển hình của sáng tạo, tâm huyết, và cả kỷ luật cao trong triển khai thực thi các chủ trương, chính sách của địa phương. Từ thực tiễn, bài học của những địa phương có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PCI hàng năm, hay những tỉnh có sự bứt phá nhanh chóng về thứ hạng, cho thấy “nút thắt” của tình trạng “trên nóng”, “dưới lạnh” về thực thi các chính sách phát triển nằm chính ở bộ máy lãnh đạo địa phương, và hoàn toàn có thể gỡ bỏ, khi soi chiếu vào công cụ đánh giá khách quan, minh bạch, đó là các chỉ số được nghiên cứu, khảo sát trong báo cáo PAPI.

Quản trị tốt hơn, hành chính công cải thiện, môi trường kinh doanh cấp tỉnh đã tốt hơn rất nhiều so với thập niên trước khi bắt đầu có những nghiên cứu PAPI. PCI. Điều này cũng phản ánh nỗ lực trong điều hành chính sách, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các mục tiêu trong chiến lược phát triển.

Nhưng ở một mặt khác, những đánh giá này cũng cho thấy các địa phương mới nỗ lực vượt lên chính mình, còn so với yêu cầu đòi hỏi thực tiễn, còn phải cố gắng nhiều. Điều này có thể nhận thấy qua chấm điểm của người dân với chỉ số PAPI 2018, địa phương điểm cao nhất cũng mới ở mức trung bình khá. Người dân còn nhiều mối lo ngại, và yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Còn chỉ số PCI 2018, nhóm địa phương dẫn đầu cũng mới chỉ ở mức điểm khá. Tham nhũng vặt giảm, nhưng 58% doanh nghiệp được khảo sát trả lời vẫn bị nhũng nhiễu, là một tỷ lệ còn cao.

Cho dù các nghiên cứu của PAPI hay PCI còn phải bổ sung, hoàn thiện để  ngày càng có những đánh giá sát hợp hơn, nhưng có thể khẳng định rằng việc người dân, doanh nghiệp “chấm điểm”, thể hiện trong những công bố của các báo cáo PAPI, hay PCI hàng năm là những điều được dư luận đón đợi, là niềm cảm hứng, động viên các địa phương năng động, sáng tạo, tự tin với những hướng điều hành của mình, và cũng trở thành sức ép lớn với các địa phương khi không cải thiện được điểm số. Với công chúng, đây cũng có thể coi là công cụ quan trọng, để đánh giá, phản ánh năng lực điều hành của đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh một cách chính xác nhất!

Kết quả khảo sát PAPI 2018 cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong ba mối quan ngại hàng đầu của người dân. Người dân cho rằng, “lót tay” để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận