Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?

Hà Nội sẽ giảm 61 đơn vị hành chính cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.

 

Báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư (bao gồm cán bộ cấp xã, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố là hơn 1.000 người.

Trao đổi với phóng viên VOV, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cho biết, lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành. Trường hợp đặc biệt, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Xung quanh câu chuyện sáp nhập đơn vị hành chính, người dân thủ đô quan tâm đến vấn đề tên gọi sau khi sáp nhập và việc giải quyết thủ tục hành chính của dân có gặp khó khăn vướng mắc gì không? Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn.

PV: Sáp nhập đồng nghĩa với việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự, giải quyết vấn đề trụ sở… Vậy, Hà Nội đã giải quyết vấn đế này như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Chí Đoàn: Chắc chắn việc hợp nhất 2 xã, 2 phường vào làm 1, thì điều đầu tiên là bộ máy sẽ dôi dư. Như vậy, UBTV Quốc hội và Chính phủ đã cho phép thực hiện lộ trình tinh giản trong 5 năm, để đưa về số lượng đúng quy định.

Tuy nhiên, trong thời gian 5 năm đó, với số lượng dôi dư như vậy, việc sắp xếp như thế nào khi cấp trưởng chỉ có một. Cương vị Bí thư Đảng ủy của 2 xã sáp nhập sẽ chỉ còn 1, Chủ tịch UBND chỉ còn một…

Thành phố đã có phương án và Ban Tổ chức Thành ủy đã có hướng dẫn, trong đó, thứ nhất sẽ tiếp nhận các đồng chí đủ điều kiện vào các cơ quan của huyện, cơ quan Đảng, mặt trận, đoàn thể, các phòng ban chuyên môn của huyện… Thứ hai là đưa sang vị trí công chức của huyện, của xã; đưa sang vị trí viên chức của các cơ quan sự nghiệp nếu đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện.

Với số công chức của xã, trước mắt, cùng với việc bố trí vào các vị trí phù hợp, có thể tiếp tục đảm nhận vị trí, nhiệm vụ của mình ở đơn vị hành chính mới. Sau đó, sẽ được tiếp tục sắp xếp, rà soát để tinh gọn trong thời hạn 5 năm.

PV: Hà Nội ghi nhận những ý kiến trái chiều nào của người dân về vấn đề này? Và chủ trương giải quyết kiến nghị của người dân như thế nào?

Ông Nguyễn Chí Đoàn: Thực tế, chúng ta đều biết, đơn vị hành chính đặc biệt ở cấp xã, phường gắn với nhận thức, tâm tư tình cảm và thói quen, phong tục tập quán của người dân. Do vậy, Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác, khi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính thì nhân dân, các cử tri cũng có nhiều suy nghĩ, ý kiến.

Theo ghi nhận, các ý kiến xoay quanh việc có nên hợp nhất, có nên sắp xếp hay không? Việc sắp xếp sẽ làm nảy sinh những khó khăn gì trong các giao dịch dân sự, hành chính của tổ chức và công dân? Có ảnh hưởng đến truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của các xã, phường hay không?

Đặc biệt, vấn đề tên của đơn vị hành chính mới cũng là điều người dân hết sức quan tâm.

Ban Thường vụ thành ủy, HĐND, UBND thành phố hết sức quan tâm vấn đề này và đã có kế hoạch tổ chức, triển khai hết sức chặt chẽ. Thực hiện công tác tuyên truyền, thuyết phục nhân dân và để nhân dân được tham gia ý kiến một cách rộng rãi. Do vậy, TP. Hà Nội đã đạt được sự thống nhất đồng thuận rất cao từ nhân dân.

PV: Việc đặt lại tên các xã, phường sau khi sáp nhập như trường hợp ghép tên xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) thành xã Đôi Hậu đang gây nhiều tranh cãi. Với vấn đề này, Hà Nội giải quyết như thế nào? Các cuộc lấy ý kiến của người dân về việc đặt tên mới được triển khai như thế nào? Và có thu về sự đồng thuận của người dân?

Ông Nguyễn Chí Đoàn: Với các tỉnh, người dân rất quan tâm vấn đề tên của các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp. Với Hà Nội, người dân càng quan tâm hơn với vấn đề này. Bởi vì Hà Nội là thủ đô, là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế; là nơi có những giá trị văn hóa đặc sắc.

Để tìm được phương án chọn tên phù hợp cho đơn vị hành chính mới, thành phố đã chỉ đạo các địa phương tiến hành nghiên cứu rất kỹ càng về nguồn gốc lịch sử của địa phương thực hiện sắp xếp, tìm hiểu tên những địa danh, những tên phù hợp với truyền thống. Đồng thời, tham khảo ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà văn hóa, nhà sử học để lựa chọn tên phù hợp. Một yếu tố không thể bỏ qua là thảo luận dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, do vậy, việc đặt tên mới đã nhận được sự đông thuận cao.

Tôi có thể nêu ví dụ về phường Trúc Bạch và phường Nguyễn Trung Trực. Khi sáp nhập 2 phường này, người dân rất đồng thuận lấy tên Trúc Bạch - là tên một địa danh thay vì lấy tên người. Cái tên này đã trường tồn qua năm tháng, đồng thời phản ánh được bản sắc văn hóa của vùng đất đó, của những con người sinh sống tại đây. Do vậy, Trúc Bạch là cái tên nhận được sự đồng thuận lớn.

PV: Đến nay, Hà Nội thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường cụ thể thế nào?

Ông Nguyễn Chí Đoàn: Thực hiện Nghị quyết 35 của UBTV Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, cũng như của các bộ ngành, TP. Hà Nội xác định công tác triển khai sáp nhập phường, xã là nhiệm vụ trọng tâm hết sức quan trọng trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024. Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND, HĐND, UBND Hà Nội rất quan tâm tới công việc này. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính do Bí Thư thành ủy làm Trưởng ban và hầu hết các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy đều tham gia Ban Chỉ đạo này. Đồng thời, thành lập một Tổ công tác, giúp việc cho Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính do Trưởng Ban Tổ chức của Thành ủy, Ủy viên thường vụ làm Tổ trưởng.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn trả lời phỏng vấn Báo Điện tử VOV.Mọi công tác đều đã được thực hiện hết sức khẩn trương, quyết liệt, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố và đảm bảo tiến độ của công tác này đến thời điểm hiện nay.

PV: Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, nhiều người dân trên các địa bàn sáp nhập bày tỏ băn khoăn khi đổi tên thì giấy tờ, làm các thủ tục hành chính sẽ gặp khó khăn. Hà Nội có câu trả lời nào, giải pháp nào trước lo ngại rất chính đáng này của người dân?

Ông Nguyễn Chí Đoàn: Đây là vấn đề thành phố đã lường trước được, đồng thời đây cũng là vấn đề nằm trong nội dung chỉ đạo của các cơ quan T.Ư.

Khi hợp nhất các đơn vị hành chính sẽ nảy sinh vấn đề và bất cập liên quan đến giấy tờ tùy thân của công dân, như CCCD, Giấy Khai sinh và các loại giấy tờ như đăng ký kinh doanh, cùng rất nhiều loại giấy tờ khác. Như vậy, các cơ quan của thành phố đã có phương án xử lý. Thứ nhất, sau khi thành lập đơn vị hành chính mới, sẽ bắt tay khẩn trương để thay đổi giấy tờ cho người dân. Thứ hai, trong thời gian thay đổi giấy tờ, sẽ có quy định rằng, mọi giấy tờ giao dịch dân sự, hành chính của công dân với giấy tờ cũ vẫn được chấp nhận, không gây ảnh hưởng tới các thủ tục và giao dịch này.

Thực tế, đây cũng là một khó khăn bởi người dân rất băn khoăn. Nhưng với những phương án giải quyết, các cơ quan công an, tư pháp, cơ quan phụ trách về đăng ký kinh doanh… đều thuận tiện giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền và người dân đã từng bước yên tâm, đồng tình ủng hộ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Hoàng/VOV.VN
Thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận