2 hình phạt không áp dụng với người chưa thành niên
Trình bày tờ trình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Dự thảo quy định giữ nguyên hệ thống hình phạt với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Hình phạt tù chung thân và tử hình không áp dụng với người chưa thành niên
Dự thảo bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo. Cân nhắc áp dụng hình phạt tiền với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội.
Đáng chú ý, dự thảo luật mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền và mức phạt tiền không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
“Để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt với người chưa thành niên, dự thảo luật quy định giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể”, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết.
Cụ thể, dự thảo luật quy định giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên theo hướng: giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù. Tuy nhiên, với trường hợp phạm loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sản xuất trái phép chất ma túy) thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ủy ban tán hành với dự thảo chỉ quy định 4 hình phạt (cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn) với người chưa thành niên phạm tội; “cơ bản nhất trí” với dự thảo luật về các hình phạt cụ thể và việc tổng hợp hình phạt
Theo bà Lê Thị Nga, có ý kiến đề nghị mở rộng việc áp dụng với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Còn hình phạt tiền, có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ quy định hiện hành, không áp dụng với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội. Một số ý kiến khác trong cơ quan thẩm tra đề nghị quy định người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có các điều kiện như người trưởng thành cũng được áp dụng hình phạt tiền để bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự.
Nghiêm minh nhưng nhân văn
Báo cáo giải trình tại phiên họp, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết cơ bản các ý kiến thống nhất với phương tách vụ án hình sự, dù vẫn còn ý kiến băn khoăn. “Nếu như không tách vụ án hình sự thì trên thực tế các cháu phải bị xét xử ở trong một phòng xét xử không thân thiện và tiếp cận với toàn bộ nội dung vụ án, đặc biệt là những vụ án xâm hại sức khỏe, tính mạng hay buôn lậu ma túy. Như thế là tác động ngược chiều chứ không phải là tác dụng tốt cho các cháu. Những vụ án này do các thẩm phán không hiểu về tâm lý trẻ em cho nên không đảm bảo các lợi ích của các cháu. Cho nên việc tách phiên tòa là rất cần thiết” – ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Đặt vấn đề các cháu phải ra tòa 2 lần thì có nặng hay không, Chánh án TAND tối cao khẳng định là không nặng hơn vì đây là tách về đối tượng chứ không phải tách hành vi. Nếu tách hành vi thì bất lợi nhưng tách về đối tượng là không bất lợi.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, Chánh án TAND tối cao cho rằng nếu như không có hình phạt và tố tụng thân thiện thì không hình thành được bộ luật về mặt tư pháp theo đúng quan điểm của Đảng và theo đúng Hiến pháp. Cũng theo ông, thế giới không có bộ luật nào chỉ có biện pháp mà không có hình phạt và tố tụng hình phạt.
“Việc này Chính phủ rất nhiều lần đã đề nghị và khi thảo luận đại biểu Quốc hội đều đồng tình phải đưa vào dự án luật này với đầy đủ các nội dung như tòa án đã chuẩn bị” - ông Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7.
Nêu vấn đề phạm vi điều chỉnh của luật thì có quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự không, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị TAND tối cao tiếp tục hoàn chỉnh xây dựng dự thảo luật với phạm vi theo đúng 6 chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, tức là bao gồm cả về hình phạt, tố tụng hình sự, chuyển hướng và các vấn đề khác. Nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận ý kiến khác nên đề nghị Ủy ban Tư pháp nghiên cứu báo cáo Quốc hội để rộng đường thảo luận, xem xét.
Về vấn đề hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, các ý kiến cơ bản thống nhất các quy định cụ thể về hình phạt trong dự thảo luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc thêm ý kiến về tiếp tục mở rộng hình phạt cảnh cáo và hình phạt tiền đối với người chưa thành niên để phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên.
Về thủ tục tố tụng hình sự, các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo luật về các thủ tục mang tính nhân văn, thân thiện; tán thành việc thu hẹp các trường hợp tạm giam người chưa thành niên, hạn chế đến mức tối đa và bổ sung biện pháp giám sát điện tử để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hạn chế tối đa việc tạm giam người chưa thành niên. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát các căn cứ, các nguyên tắc để bảo đảm phù hợp, tránh gây khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án.
Hiếu Minh/VOV.VN