Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 2 Nghị quyết 01 và 02. Nếu như Nghị quyết 01/2019/NQ-CP tiếp tục phát huy đường hướng của Nghị quyết 01 những năm trước đây, thì Nghị quyết 02/2019/NQ-CP 2019 không chỉ dừng lại ở mục tiêu ngắn hạn trong năm 2019, mà hướng đến năm 2021 và được sử dụng để thay thế cho Nghị quyết 19 đã phát huy hiệu quả thực tiễn trong 5 năm qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện Nghị quyết số 19 hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong suốt 5 năm qua đã phát huy được những kết quả đáng kể trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp. Sự thay đổi thể hiện qua việc nhiều Bộ ngành chủ động, tích cực cải thiện thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
Một số bộ, ngành, địa phương đã chỉ định đầu mối, thiết lập cơ chế theo dõi thực hiện Nghị quyết số 19, theo dõi việc cung cấp thông tin, kết quả đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như Bộ Công Thương với chỉ số tiếp cận điện năng; Bộ Tài chính với vấn đề thu nộp thuế; Bộ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hay các địa phương như tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Đồng Tháp, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
Nhờ thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19, hàng ngàn điều kiện kinh doanh không hợp lý đã được bãi bỏ. Tỷ lệ theo từng Bộ ngành lên tới trên 50%. Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản, tăng cường hậu kiểm. Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đánh giá: Việc cải cách thể chế và cải cách các thủ tục hành chính ở Hà Nội đã giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức đột phá lớn trong sự phát triển ổn định, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của thành phố xếp thứ 13 năm 2017.
Quan trọng hơn, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu.Trong số 11 nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Việt Nam đang là nước cuối bảng khi xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt nâng cao tính chuyên nghiệp trong xây dựng và soạn thảo luật, và sử dụng trí tuệ của các chuyên gia độc lập để hoạt động hiệu quả hơn. Chính phủ cũng phân công cụ thể từng bộ làm đầu mối để tăng cường trách nhiệm theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số.
Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng nêu rõ: “Tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học”. Theo đánh giá của các chuyên gia hành chính thì đây là bước tiến phù hợp, bởi muốn kinh tế phát triển thì cần xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ nhân dân là mục tiêu cao nhất.
Một trong những điểm mới của Nghị quyết 02/2019/NQ-CP chính là đã nêu tên và giao nhiệm vụ rõ ràng cho các tổ chức chính trị xã hội như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết.
Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - phân tích: “Quy định này cho thấy Thủ tướng và Chính phủ tăng cường thêm tiếng nói từ các tổ chức quần chúng, khẳng định đây là kênh rất quan trọng, thể hiện sự lắng nghe cao nhất các ý kiến từ người dân, doanh nghiệp. Trước đây, trong nhiều phiên họp, chúng tôi cũng đã đề nghị đánh giá thái độ nhằm đưa lên một bức tranh đầy đủ hơn về dịch vụ công, dịch vụ hành chính. Cộng đồng doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã được phổ biến Nghị quyết 02 để hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình và của các cơ quan quản lý, từ đó hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng tôn chỉ và luật pháp”.
Có một thực tế là khi chúng ta cải cách rất mạnh thì các quốc gia khác cũng tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây đang là một cuộc đua giữa các quốc gia hướng tới mục tiêu thịnh vượng, nên cải cách chậm và tăng trưởng không bền vững cũng có nghĩa là chúng ta đã tụt hậu.
Nghị quyết 02/2019 đã nêu ra những mục tiêu cụ thể để phấn đấu trong giai đoạn 2019 - 2021 như: nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh của WB lên 15 - 20 bậc; nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) tăng 5 - 10 bậc; nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5 -10 bậc; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 - 15 bậc năm 2020. |