Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề Xây dựng pháp luật tháng 4

phiên họp xem xét 2 nội dung: Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Trung ương...

 

Sáng 11/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề Xây dựng pháp luật tháng 4/2024, cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các Bộ trưởng, trưởng ngành là thành viên Chính phủ.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 02 nội dung quan trọng gồm: Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2023). 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề Xây dựng pháp luật tháng 4/2024.Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được tập trung đầu tư, tổ chức thực hiện quyết liệt, ngày càng đi vào nề nếp, chuyên nghiệp, bài bản, khoa học, thực chất, hiệu quả hơn.

Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã tổ chức 25 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với gần 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật và các nội dung liên quan; là những nội dung quan trọng, cấp bách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển như luật Đất đai, luật Các tổ chức tín dụng, luật Bất động sản, luật Nhà ở...

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp.

Đặc biệt, đối với Dự án Luật Thuế GTGT sửa đổi, các đại biểu cho rằng, việc hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế; đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước.

Trong đó, các đại biểu đề nghị làm rõ và sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đối tượng nộp thuế; các sản phẩm, nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thế GTGT, đặc biệt là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần được ưu đãi thuế phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, các chiến lược phát triển đất nước như các sản phẩm, dịch vụ phục vụ 3 đột phá chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, các ngành tạo giá trị cao, ấn phẩm báo chí, xuất bản nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài…

Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc đọc Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).Cho ý kiến về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các Bộ, cơ quan đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung và nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát của các thành viên Chính phủ và các đại biểu; giao các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, phương án theo quy định đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế; đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước; đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, không dùng tiền mặt… 

Tuy nhiên mức độ phải phù hợp đối với các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời góp phần tháo gỡ được điểm nghẽn, hạn chế mà thực tiễn đặt ra đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp như: khuyến khích đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi; khuyến khích chế biến sâu, sản xuất trong nước; khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập khẩu; ngăn chặn buôn lậu, chống thất thu thu thuế trong dịch vụ du lịch.

Vũ Khuyên/VOV

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận