Xây dựng động lực để người cán bộ, công chức muốn làm việc, tận tụy với công việc, từ đó có một nền công vụ tốt. Đây là những góp ý được đưa ra tại hội thảo khoa học về đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 tổ chức sáng 4/4.
Những gì thành phố đảm nhận được, nên giao hết
Mở đầu phần trao đổi của mình, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra sự so sánh giữa TP.HCM và Singapore. TP.HCM có diện tích gấp 3 lần Singapore, dân số gấp 2 lần nhưng GDP lại chưa bằng 1/3. Từ đó cho thấy, tiềm lực để TP.HCM phát triển rất lớn.
Để phát huy được tiềm lực của TP.HCM, chúng ta phải xây dựng bộ máy hành chính công vụ tốt, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, có 12 vấn đề đặt ra, trong đó có 6 vấn đề trực tiếp liên quan đến bộ máy hành chính công vụ, 6 vấn đề về thể chế.
Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, động lực là vấn đề rất quan trọng. Động lực ở đây là mức lương của cán bộ, công chức; hình ảnh của người cán bộ trong nhân dân và vấn đề thi tuyển. Singapore thu hút được người tài, bởi mức lương của cán bộ cao hơn mức lương trong khối tư nhân. Với mức lương của viên chức, công chức chúng ta hiện nay chưa nói đến việc làm thế nào để người cán bộ tận tụy với công việc mà đến việc chống tham nhũng cũng rất khó.
Với việc tuyển dụng, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, chúng ta phải thay đổi và khắt khe hơn, vì các bộ đề thi công chức mà ông từng tiếp cận, đa số yêu cầu một kỹ năng duy nhất đối với người cán bộ, công chức là… học thuộc. Ông Dũng đề nghị, cần thường xuyên liên tục cập nhật cho cán bộ, công chức những kiến thức thiết thực. Việc thăng tiến của cán bộ, công chức hành chính phải đo đếm được bằng hiệu quả công việc, tính sáng tạo, tính ứng dụng khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, cần phân quyền cho TP.HCM theo mô hình bổ trợ, đó là những gì TP.HCM đảm nhiệm được thì giao hết cho TP.HCM, trừ vấn đề quốc phòng. Đồng thời tạo không gian thể chế và sự an toàn về mặt pháp lý để cán bộ an tâm làm việc thì khi đó, TP.HCM mới có được nền công vụ chủ động.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng phân tích: "Có lẽ là cả nước thời điểm này đang khó, nhưng mà TP.HCM phải tính như thế nào đó để công chức người ta không còn sợ để dám làm. Như bây giờ cải cách, xây dựng một bộ máy hiệu năng chơi. Hiệu năng mà không dám quyết gì cả. Mà người ta không dám quyết vì không an toàn".
Các sở được tự quyết, không chỉ tham mưu ủy ban
Tiếp cận nền công vụ từ 3 mặt thể chế, bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ công chức, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, xây dựng nền công vụ hiệu lực hiệu quả, phải gắn với sự hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị và bỏ nền công vụ xin-cho.
Theo ông Trần Du Lịch, nền công vụ của TP.HCM hướng tới việc thành phố là một đô thị mà có nhiều thành phố trực thuộc. Mỗi thành phố là một cấp chính quyền và có quyền tự chủ. Lúc đó, bộ máy hành chính sở, ngành chủ yếu là phục vụ công vụ cho 13 quận nội thành. Khi đó việc tổ chức bộ máy sẽ rất tinh gọn.
Trong việc tổ chức nhân sự của bộ máy công vụ, ông Trần Du Lịch cho rằng, chúng ta tuân thủ nguyên tắc tập thể lãnh đạo nhưng phải làm sao để quyền của người đứng đầu phải tiệm cận với thị trưởng của các nước. Lúc đó hoạt động công vụ sẽ hiệu quả hơn, việc hội họp cũng sẽ ít đi: "Tôi nghiên cứu mô hình Thượng Hải rất rõ. Hầu hết các Sở họ gọi là Cục. Cục chịu trách nhiệm quản lý nhà nước chứ không phải tham mưu giúp việc. Cục trưởng xây dựng chịu trách nhiệm về xây dựng chứ không phải là thị trưởng. Còn một số vấn đề họp liên quan thì thị trưởng mới làm. Ta cứ gọi Sở là tham mưu giúp việc thành ra UBND chỉ suốt ngày họp".
Góp ý tại hội thảo, PGS Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana (Hoa Kỳ) cho rằng, cần coi việc cải cách nền công vụ của TP.HCM là bước đột phá. Nhưng để làm được điều này Trung ương phải có sự đồng hành cùng thành phố.
Việt Đức/VOV-TPHCM