Thủ tướng nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện; xác định đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển.
Sáng 25/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2024 để cho ý kiến vào 3 dự án luật, 1 đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội và 1 đề nghị xây dựng luật.
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện; xác định đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển.
Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 24 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Từ đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 2 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến đối với 14 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Công tác xây dựng, ban hành pháp luật ngày càng được thực hiện bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, đổi mới và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vẫn còn nhiều vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế cần được tháo gỡ để khơi thông nguồn lực cho phát triển; đồng thời, cần có cơ chế, chính sách mới để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Cùng với xây dựng các luật, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung xây dựng các nghị định, thông tư để cụ thể hóa các luật. Trong đó cần tập trung xây dựng các nghị định, thông tư cụ thể hóa các luật về đất đai, bất động sản, nhà ở, tín dụng..., phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền, sớm triển khai thực hiện các luật.
Thủ tướng yêu cầu tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề nội dung mới, còn “vướng”, quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sửa đổi); Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Dự án Luật địa chất và Khoáng sản; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn do Bộ Xây dựng chủ trì, các thành viên Chính phủ cho rằng đây là dự án luật rất quan trọng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn; tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý thống nhất để điều chỉnh hoạt động đô thị và nông thôn; khắc phục các vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật, trình Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ đã cho ý kiến về dự án Luật này. Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, cơ bản tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, các Thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, để hoàn thiện thêm, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ tại Phiên họp này. Trong đó rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng, các lĩnh vực khác liên quan đến đô thị, nông thôn, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp;
Làm rõ nội hàm chính sách về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, tính chất, vai trò của các loại quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tuân thủ về thứ bậc, tinh gọn tối đa về loại quy hoạch để tránh chồng chéo về nội dung giữa các quy hoạch; thời hạn lập quy hoạch cần phù hợp với thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch;
Rà soát các khái niệm, các loại quy hoạch để thống nhất với Luật Quy hoạch; phân loại đô thị gắn với quy mô, tính chất đô thị; nghiên cứu mở rộng đối tượng lập quy hoạch không gian ngầm để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, phát huy vai trò, trách nhiệm của địa phương gắn với tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực; phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung những quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng; giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch.
Có cơ chế huy động các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, không tạo gánh nặng cho ngân sách; đồng thời nghiên cứu cơ chế để kiểm soát triển khai các nguồn lực, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, chất lượng quy hoạch
Về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, các thành viên Chính phủ cho rằng cần thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách và các quy định hiện hành có liên quan về địa chất và khoáng sản; Rà soát chính sách, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Hiến pháp và quy định tại các luật hiện hành, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thực hiện Luật của các bộ, ngành có liên quan đến phát triển công nghiệp khoáng sản.
Phát biểu về dự án luận này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ về phạm vi điều chỉnh đối với quản lý hoạt động chế biến khoáng sản; Phân nhóm khoáng sản và phân cấp trong cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó phân cấp cho địa phương về việc quản lý, cấp phép đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thương gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tránh việc lợi dụng quy định thông thoáng để vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản; Làm rõ tiêu chí các loại khoáng sản do Nhà nước đầu tư, nguồn ngân sách chi thường xuyên và thời điểm tích hợp các quy hoạch để bảo đảm tính khả thi.
Nhất là đối với các quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản Thủ tướng yêu cầu, làm rõ các căn cứ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng bộ với quy định pháp luật về thuế tài nguyên và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, bảo đảm ổn định nguồn thu của ngân sách; đồng thời bảo đảm quy trình đấu giá khoáng sản minh bạch trên cơ sở các quy hoạch về khoáng sản, phù hợp với Luật đấu giá tài sản.
Vũ Khuyên/VOV