56/56 địa phương đã gửi phương án tổng thể
Báo cáo tại cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030 diễn ra chiều 28/2 cho thấy, đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ. Hiện các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị bao gồm 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp, dự kiến giảm 14 đơn vị. Trong khi đó, 19 ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù.
Đối với cấp xã, tổng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, bao gồm 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, khó khăn rất lớn đối với đô thị sau sắp xếp khi yêu cầu đặt ra là vừa bảo đảm thủ tục (có quy hoạch), vừa bảo đảm chất lượng đô thị, trong khi thời gian không dài, chưa đủ điều kiện có nguồn lực xây dựng được tiêu chí.
Bộ Xây dựng cũng tham gia cùng Bộ Nội vụ cho ý kiến cụ thể về phương án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc 56 tỉnh. Qua báo cáo trong 50 đơn vị cấp huyện có 17 đơn vị sau khi thành lập sẽ là đô thị (17 ĐVHC đô thị cấp huyện, thành phố, thị xã) và hiện nay một số tỉnh, thành đã chủ động rà soát, lập quy hoạch chung. Hiện 6/17 ĐVHC chưa có quy hoạch đô thị.
Tổng hợp lại, Bộ xây dựng thấy có 2 khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, về tiến độ triển khai, hiện nay thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đối với đô thị cần rất dài. Nếu 6 đơn vị cấp huyện này chưa triển khai công tác lập quy hoạch thì rất khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ.
Thứ hai, về phía chất lượng đô thị cũng rất khó khăn. Qua khâu quy hoạch rồi, giờ các tiêu chuẩn, tiêu chí để đáp ứng là rất khó.
Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng đề xuất những đô thị cấp huyện đã có quy hoạch rồi thì cố gắng đề xuất sớm lập đề án. Bộ Xây dựng thấy kể cả công tác lập quy hoạch, kể cả chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị thì cũng hướng dẫn các địa phương làm đồng thời. Việc này vừa rút ngắn thời gian, vừa bảo đảm tính chặt chẽ, có thể chắc chắn khâu quy hoạch xong rồi thì tiêu chuẩn, tiêu chí cũng đáp ứng được.
“Quá trình làm đồng thời chúng ta cũng xác định được có hợp lý hay không. Giờ sáp nhập hai đơn vị vào nhau, chúng ta cộng trừ nhân chia các kiểu mà không đáp ứng được thì đừng có cố lập quy hoạch làm gì cả. Lập quy hoạch xong lại không đáp ứng được câu chuyện về tiêu chí thì chúng ta cũng không đạt được mục tiêu” – ông Văn lưu ý.
Đại diện Bộ Công an thì cho biết, khi sắp xếp lại địa giới hành chính có thay đổi về tên gọi. Một số trường thông tin của công dân sẽ thay đổi nên sẽ chạy lại hệ thống dữ liệu dân cư và có sự phối hợp của công dân, Bộ Tư pháp để chạy lại toàn bộ hệ thống. Việc này có một chút khó khăn nhưng thực hiện được.
Về quy định không yêu cầu công dân phải đổi giấy tờ căn cước công dân nhưng để thuận tiện cho giao dịch thì khuyến cáo công dân nên đổi căn cước công dân theo địa danh mới. Bộ Công an sẽ có chỉ đạo cụ thể sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính.
Liên quan sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết cuối năm 2023, Bộ Tài chính và các bộ đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành công điện, trong công điện đã yêu cầu về vấn đề sắp xếp tài sản nhà đất và sau khi công điện ban hành. Bộ đã có công văn hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương cho cả 2 giai đoạn 2023 - 2025 và 2023 – 2030 cần làm gì.
Với giai đoạn 2023 - 2025, Bộ Tài chính đã tham gia ở các đề án gửi Bộ Nội vụ là cùng với việc xây dựng đề án sắp xếp lại huyện xã thì phải xây dựng ngay phương án, rút kinh nghiệm giai đoạn trước là phê duyệt đề án xong nhưng chưa có phương án sắp xếp nên chưa triển khai được phương án sắp xếp tài sản.
“Bây giờ cùng với xây dựng đề án phải xây dựng phương án sắp xếp tài sản. Cùng với đó tạm dừng phê duyệt đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở, công trình với các huyện, xã có phương án sắp xếp” – Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trên cơ sở báo cáo các địa phương, giai đoạn 2019 - 2021, rà soát 53 địa phương và 34 bộ, cơ quan trung ương có 6.902 tài sản cần sắp xếp, đến nay có 6.480 tài sản có phương án sắp xếp (khoảng 94% tổng số tài sản cần sắp xếp). Trong đó, giữ lại sử dụng là 5.081 tài sản, chiếm 74%, thu hồi 98, điều chuyển 487, bán là 380, phương án khác là 434, chưa xử lý là 422 tài sản chiếm khoảng 6%.
Dồn lực để giải quyết các khó khăn, vướng mắc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phối hợp tích cực triển khai các nhiệm vụ quan trọng. Trong đó tham mưu xây dựng đề án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 35; xây dựng kết hoạch, Nghị quyết 117 của Chính phủ; phối hợp cùng nhau cho ý kiến phương án sắp xếp của các địa phương; các văn bản hướng dẫn địa phương triển khai sắp xếp.
Các địa phương đã rất nỗ lực đưa ra phương án sắp xếp 50 huyện, 1.243 xã. Dù có một số trường hợp có yếu tố đặc thù nhưng không nhiều.
“Hơn lúc nào hết, trách nhiệm, vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo mang tính quyết định. Dù rất bận rộn nhưng đây là việc hệ trọng, trách nhiệm chính trị trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ nên chúng ta không còn cách nào khác là phải làm” – bà Phạm Thị Thanh Trà nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh nhiệm vụ cùng phối hợp thẩm định hồ sơ, đề án của 56 tỉnh, thành. Ban Chỉ đạo sẽ chia nhóm để làm cuốn chiếu, thẩm định xong trình Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rải đều từ nay đến hết tháng 9 chứ không dồn vào làm một lúc.
“Hơn lúc nào hết là dồn lực để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương. Nếu có khó khăn vướng mắc gì của địa phương thì Bộ Nội vụ phối hợp các thành viên trong Ban Chỉ đạo giải quyết luôn” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận.
Kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hiện đã làm được khoảng 60% công việc, nhưng 40% công việc còn lại rất khó khăn, trong khi thời gian còn lại không nhiều, chỉ khoảng 6 tháng, nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực quyết tâm lớn.
Phó Thủ tướng đề ra các nguyên tắc triển khai thực hiện: Thủ tục rút gọn nhất có thể, cái gì có thể cho nợ được thì cho nợ, với điều kiện đáp ứng được yêu cầu cụ thể, còn nếu dàn hàng ngang trong 6 tháng thì sẽ làm không xong. Cái nào hạn hữu lắm mới chuyển qua giai đoạn sau; phải có sự xác nhận của các đơn vị liên quan trong cùng một lúc; phải tôn trọng ý kiến từ cơ sở.
“Chúng ta không máy móc, vì sướng hay khổ là cơ sở chịu và việc triển khai như thế nào là ở dưới họ làm, còn trên này chỉ duyệt đề án, tức là xác nhận đề xuất từ cơ sở. Còn việc triển khai, vận động cán bộ công chức dôi dư nghỉ việc sớm, chuyển nơi làm việc là việc của địa phương… Chúng ta cần phải tôn trọng anh em cơ sở, nếu không chúng ta sẽ thất bại”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Lê Hoàng/VOV.VN