Gỡ khó cho đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TƯ khóa XII, Sở Y tế Sơn La đã giảm gần 50% số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước...

 

Tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập được tinh gọn, thu giảm đầu mối, giảm số lượng cấp phó tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Đến nay, Sở Y tế có 16 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ 100% kinh phí thường xuyên và 5 đơn vị tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên, góp phần tiết kiệm, giảm chi từ nguồn ngân sách của Nhà nước, của tỉnh.

Theo ông Trần Đắc Thắng, Giám đốc Sở Y tế Sơn La, trong quá trình thực hiện nghị quyết, sở cũng gặp những khó khăn nhất định, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh có những giải pháp tháo gỡ.

Ông Trần Đắc Thắng đề nghị Chính phủ tăng mức trợ cấp chi trả chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tinh giảm biên chế theo Nghị định số 29/2023. Đối với Bộ Y tế cần quy định rõ định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công. UBND tỉnh quan tâm xem xét giao định mức biên chế, số lượng người làm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ kinh phí chi thường xuyên theo định mực biên chế tối thiếu, vì toàn bộ số lượng người giảm là của trung tâm y tế và trạm y tế xã, các đơn vị tuyến đầu...

Giám đốc Sở Y tế Sơn La đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La đã xây dựng đề án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối. Đến nay, sở có 7 phòng và 5 đơn vị sự nghiệp công lập.

Điểm sáng trong đổi mới cơ chế quản lý với các đơn vị sự nghiệp công lập là đổi mới về tài chính. Cụ thể, trong 5 năm từ 2018 – 2023, các đơn vị đã tiết kiệm được khoảng 13 tỷ đồng, bổ sung vào chi tăng thêm cho cán bộ, viên chức. Đây cũng là một trong những mục tiêu của tự chủ về tài chính.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp thực hiện theo Nghị định 120 của Chính phủ, trong đó cơ cấu lãnh đạo, biên chế đang tồn tại những bất cập. Hiện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sơn La có 25 biên chế, có 2 phó giám đốc nhưng cơ sở điều trị nghiện ma tuý có 234 viên chức cũng 2 phó. Số lượng người nghiện ma tuý của tỉnh Sơn La đang quản lý xấp xỉ 2.100 người, có mặt tại cơ sở điều trị nghiện ma tuý và 2 điểm vệ tinh khoảng 1.900 người... Ông đề nghị sửa Nghị định 120.

Còn đối với trung tâm dịch vụ việc làm theo luật bắt buộc các tỉnh phải có, nhưng theo Nghị định 120 thì các đơn vị sự nghiệp phải có 15 biên chế trở lên, nhưng biên chế đang giao có 11.

Bà Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết, Đoàn giám sát sẽ xây dựng báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh để giải quyết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Qua đó, thực hiện thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận