Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng đầu tiên của năm 2024

Sáng 1/2, Thủ tướng chủ trì phiên họp CP tháng 1/2024 nhằm tập trung thảo luận về tình hình KT-XH tháng 1, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục QG...

 

Tình hình KTXH tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhập trên các lĩnh vực; trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Tổng kim ngạch XNK đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 42%, nhập khẩu tăng 33,3%; xuất siêu 2,92 tỷ USD.

An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm xuất khẩu gạo tháng 1 đạt 500 nghìn tấn, kim ngạch 347 triệu USD, tăng lần lượt 39,4% và 86,1% so với cùng kỳ; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu có nhiều tín hiệu tích cực Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.

Thương mại, dịch vụ khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 8,1%. Đón trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 73,6% so với cùng kỳ.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực; Công tác quy hoạch tiếp tục được đẩy mạnh; Kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được thúc đẩy; Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng; Chính trị - xã hội ổn định; Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo cập nhật tháng 1/2024, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 từ mức 2,9% lên mức 3,1%, trong khi Liên Hợp Quốc dự báo chỉ tăng 2,4%.

Thảo luận tại phiên họp, lãnh đạo các bộ ngành đã phân tích về tình hình trong nước và quốc tế, các bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Kết luận phiên họp Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ tình hình thế giới và trong nước những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm và đặc biệt về nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới Thủ tướng nhấn mạnh, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của TW, của Bộ Chính trị, của lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển KTXH 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các Nghị quyết, Chỉ thị của CP, TTgCP để cụ thể hóa thành kế hoạch, lộ trình thực hiện của từng cấp, từng ngành và cơ quan.

Phát huy tính chủ động, tích cực, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực dự báo và nắm chắc tình hình; bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tập trung xử lý công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô trương, hình thức.

Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với khí thế mới, xung lực mới ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2024. Trên cơ sở kinh nghiệm điều hành đã có, cần phải mạnh mẽ hơn nữa, làm chủ tình hình hơn nữa, hành động hiệu quả hơn nữa.

Phát huy tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm; nâng cao hiệu quả phối hợp, nhất là trong giải quyết những vấn đề liên ngành, liên vùng; chủ động báo cáo và đề xuất giải pháp những vấn đề vượt thẩm quyền.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương hoàn thiện Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai các Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ. Tập trung chuẩn bị các đề án theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới như UAE, châu Phi, Mỹ La tinh; Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các CTMTQG.

Toàn cảnh phiên họp.Tăng thu, tiết kiệm chi NSNN tập trung đầu tư cho phát triển dự án lớn, tiền lương, an sinh xã hội; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng KTXH theo Nghị quyết của Bộ Chính trị; Tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới Hydrogen; Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu trong đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp.

Về nông nghiệp Thủ tướng yêu cầu, thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các mặt hàng nông sản chất lượng, giá trị gia tăng cao; Tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; Quyết liệt tháo gỡ ách tắc, khắc phục "thẻ vàng" (IUU) của ngành thủy sản.

Về dịch vụ, du lịch tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao như vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…; có giải pháp cụ thể để tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm.

Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu

Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 26 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, nghĩa tình, an toàn, tiết kiệm; thực hiện hiệu quả Tết trồng cây; bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 theo Công điện số 11 của TTgCP (30/01/2024). Chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Tích cực, chủ động, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7 theo kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ.

Có giải pháp hỗ trợ kịp thời, ổn định đời sống người lao động; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề bền vững. Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết.

Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền về Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa. Củng cố, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, bảo đảm vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, ổn định đời sống.

Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn cả nước. Tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm ma túy…

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách; nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ cơ sở; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vũ Khuyên/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận