Xứng đáng danh xưng 'Nơi quê hương cội nguồn cách mạng'

Ngọn lửa từ Pác Bó vẫn được các thế hệ nhân dân Cao Bằng gìn giữ, phát huy, biến truyền thống thành động lực để xây dựng biên cương ngày càng phát triển...

 

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, Bác Hồ đã về Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của dân tộc. Từ hang nhỏ nơi núi rừng biên cương Pác Bó, ngọn lửa cách mạng đã bùng lên đến mọi miền đất nước, đưa cuộc cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Cho đến hôm nay, ngọn lửa ấy vẫn được những thế hệ Cao Bằng hôm nay truyền lưu, gìn giữ, xứng đáng danh xưng “Nơi quê hương cội nguồn cách mạng”.

Về nước vào mùa Xuân 1941, Bác Hồ đã chọn hang Cốc Bó, nơi đầu nguồn con suối Lê Nin là nơi ở, làm việc. Tại Pác Bó, từ tháng 1/1941 đến tháng 3/1942, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Đảng, hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược của Cách mạng Việt Nam, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, ra Báo Việt Nam độc lập, thành lập đội du kích đầu tiên của Cao Bằng; Hàng loạt quyết sách quan trọng của Trung ương Đảng cũng được thông qua, đưa Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng...

Ông Nông Hải Pín, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng: Bác chọn Cao Bằng không chỉ bởi có yếu tố “địa lợi” về tự nhiên, rừng núi hiểm trở, mà ở đây còn có phong trào cách mạng phát triển mạnh, đặc biệt là tinh thần yêu nước của nhân dân, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cách mạng.

"Hai yếu tố xã hội và tự nhiên ảnh hưởng đến quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng trong cả nước. Về yếu tố xã hội, phong trào cách mạng ở Cao Bằng có lâu rồi, nhất là từ những năm 30, từ giai đoạn 1930-1935, phong trào 1936-1939 ở Cao Bằng có nhiều phong trào phát triển. Nhiều tỉnh, thành phố khác do thực dân Pháp đàn áp gay gắt phong trào cách mạng nên có lúc có nơi dừng lại hoặc là tạm rút lui vào bí mật nhưng Cao Bằng vẫn phát triển. Phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng nên giai đoạn 1930-1940 các cơ sở đảng ở Cao Bằng phát triển mạnh"- ông Nông Hải Pín cho hay.

Hơn 80 năm qua, tình cảm với Bác, với Cách mạng vẫn vẹn nguyên trong mỗi người dân Pác Bó nói riêng, người dân vùng non nước Cao Bằng nói chung. Sau khi Bác mất, mỗi gia đình ở Pác Bó đều lập ban thờ, coi Bác là người thân trong gia đình. Những ngày Lễ, Tết cổ truyền, bà con vẫn đến dâng hương tại đền thờ của Người và dịp đầu xuân, người dân Pác Bó lại tổ chức lễ rước nước từ đầu nguồn dòng suối Lê Nin, dưới cửa hang Cốc Bó lên đền thờ Bác.

Khu di tích lịch sử Kim Đồng tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.Bà Hoàng Thị Phần, một người dân xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng chia sẻ. "Vinh dự, tự hào khi Bác Hồ chọn Pác Bó khi từ nước ngoài về nước hoạt động cách mạng. Đồng bào Pác Bó phục vụ Bác, bảo vệ Bác, cùng đoàn kết, thề bảo vệ Bác bảo vệ Cách mạng. Ngày hôm nay bà con Pác Bó được sung sướng là nhờ Bác, nhờ Đảng, bà con được ấm no, hạnh phúc. Bà con cảm ơn Đảng, cảm ơn Bác, quyết tâm luôn luôn giữ vững xứng đáng là quê hương của Bác và luôn luôn phát huy truyền thống cách mạng, góp bản làng ngày càng giàu đẹp và mạnh hơn".

Ngược dòng lịch sử, chỉ hơn 2 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ngày 1/4/1930, tại suối Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng) chi bộ đảng đầu tiên tại Cao Bằng được thành lập. Tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp Bác tại Tĩnh Tây, Trung Quốc báo cáo với Người về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Bác Hồ đã tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Cao Bằng yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc) làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này. Không phụ lòng mong mỏi của Bác, những thanh niên Cao Bằng năm đó đã trở thành những hạt nhân ưu tú, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Nối tiếp truyền thống các thế hệ cha ông, tuổi trẻ Cao Bằng hôm nay cũng đang là hạt nhân nòng cốt trên nhiều lĩnh vực.

Hiện với hơn 120.000 đoàn viên, thanh niên, tuổi trẻ Cao Bằng là lực lượng xung kích để xây dựng vùng biên ngày một phát triển hơn. Chị Tô Phương Chi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Cao Bằng cho hay: Việc phát huy truyền thống quê hương cách mạng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của tuổi trẻ Cao Bằng hôm nay.

"Với truyền thống của quê hương cội nguồn cách mạng, trong suốt thời gian vừa qua chúng tôi xác định đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tất cả mọi hoạt động của tổ chức Đoàn, từ công tác tuyên truyền, giáo dục đến việc triển khai các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, các chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trong phát triển kỹ năng xã hội và trong công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Chúng tôi xác định đây là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mạch ngầm mọi hoạt động của tổ chức Đoàn, tổ chức Hội và tổ chức Đội toàn tỉnh".

Thành phố biên cương Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) đang đổi thay từng ngày.Hiện Đảng bộ Cao Bằng có trên 61.000 đảng viên, sinh hoạt tại hơn 2.500 chi bộ và 100% thôn bản, tổ phố có chi bộ đảng. Năm 2023, Cao Bằng đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các mặt, tỉnh biên giới này đã có cửa khẩu quốc tế, có dự án cao tốc đầu tiên được khởi công để từng bước đưa Cao Bằng trở thành một trong những trọng điểm kinh tế khu vực biên cương phía bắc Tổ quốc.

Để truyền thống quê hương cách mạng trở thành động lực cho mỗi cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy Cao Bằng đã thông qua Đề án đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng. Đề án nhằm khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi đảng viên, người dân đối với quê hương, đất nước, cùng tỉnh tập trung phát huy các lợi thế, tạo bước chuyển biến mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Bế Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng cho hay: "Ngọn lửa từ Pác Bó thực sự là một tài sản hết sức quý báu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Trong thời gian vừa qua Cao Bằng đã có một cái Đề án phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng giáo dục, bồi dưỡng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong các nhiệm kỳ, nhất là nhiệm kỳ 2020 - 2025 chúng tôi xác định việc phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng chính là nền tảng tinh thần, là chỗ dựa của Đảng bộ để phát huy nguồn lực nội sinh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng cũng như đảm bảo về quốc phòng, an ninh."

Ngọn lửa từ Pác Bó vẫn đang được các thế hệ nhân dân Cao Bằng hôm nay gìn giữ, phát huy, biến truyền thống thành động lực để xây dựng biên cương ngày càng phát triển, xứng đáng danh xưng “nơi quê hương cội nguồn cách mạng”.

Công Luận/VOV - Đông Bắc

 

Bình luận

    Chưa có bình luận