Thủ tướng: Các bộ phải chuyên nghiệp công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế

Sáng 29/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2024 để thảo luận đối với 5 nội dung.

 

Trong các nội dung đó có 3 dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) và 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng 5 nội dung thảo luận hôm nay đều là những nội dung quan trọng, khó, có tác động kinh tế - xã hội sâu rộng. Với dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các ý kiến đề nghị thể chế hóa đầy đủ các chủ trương về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xã hội hóa trong hoạt động công chứng; phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Cùng với đó rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý các quy định về tiêu chuẩn công chứng viên; việc đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng của công chứng viên; triệt để phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương, sở tư pháp trong việc thực hiện thủ tục hành chính; Bộ Tư pháp tập trung thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, xây dựng chính sách chung cho sự phát triển của hoạt động công chứng.

Về tổ chức hành nghề công chứng, cần rà soát lại các quy định về đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trong dự thảo luật; nghiên cứu để có quy định quản lý nhà nước một cách phù hợp; không quy định về “đề án” như là một “biến thể” của quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã bị bãi bỏ bởi Luật Quy hoạch.

Hành nghề công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ về điều kiện hành nghề công chứng, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng; bảo đảm minh bạch, công khai; không tạo cơ chế “xin - cho” trong thành lập văn phòng công chứng; ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thành lập văn phòng công chứng bằng hình thức hợp danh rồi “rút hợp danh”, thu lợi bất chính; phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực này.

Về đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng cần luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục được khó khăn, vướng mắc phát sinh đang gặp phải; hoàn thiện các chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp với quy định của pháp luật có liên quan, nhất là pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp

Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu các ý kiến để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung, giải pháp thực hiện các chính sách để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường đầu tư, kinh doanh; bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai; phù hợp với chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước an toàn và bền vững; phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay.

Cùng với thảo luận, cho ý kiến đối với từng nội dung và giao các nhiệm vụ cụ thể hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; đồng thời nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ.

Để công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể; đầu tư nguồn nhân lực, nguồn lực cho xứng tầm là đột phá chiến lược; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội; lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tiếp thu ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung 3 nội dung trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính không cần thiết, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.Dự kiến trình Quốc hội 23 dự án luật trong năm 2024

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng cho biết, dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 23 dự án luật, trong đó có nhiều dự án luật rất quan trọng, làm nền tảng pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ, chất lượng; hạn chế tối đa việc xin lùi, hoãn, rút hay trình chậm, kém chất lượng.

Để việc tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh hiệu quả, Thủ tướng đã có quyết định ban hành danh mục và phân công các cơ quan chủ trì sọan thảo văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh được thông qua tại kỳ họp thứ 6. Tới đây, Thủ tướng sẽ quyết định phân công việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy định chi tiết 2 luật vừa được Quốc hội thông qua. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; kiến nghị Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các bộ, cơ quan để sảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trình các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh năm 2024 để trình Chính phủ xem xét, thông qua; tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội; bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Các bộ, ngành có dự án luật trong chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cũng cần hết sức khẩn trương trình theo quy định; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến hoặc thông qua.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông ưu tiên thời lượng nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền xây dựng pháp luật, truyền thông chính sách, giáo dục kỹ năng cho nhân dân, nhất là tranh thủ ý kiến xây dựng pháp luật của các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành phải không ngừng chuyên nghiệp hóa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay trong quá trình làm luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Vũ Khuyên/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận