Nghe tiếng lòng của người dân để đánh giá cán bộ

Phóng viên Báo VOV đã có buổi trao đối với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

 

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 96/2023/QH15 (Nghị quyết 96) của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn thì trong công tác đánh giá cán bộ cũng cần thiết có kênh thông tin của người dân về cán bộ. Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung như thế nào?

Từ thực tiễn, chúng ta thấy một vấn đề đặt ra là: Hiện nay có tình trạngmột số cán bộ, trong đó có cả cán bộ có trách nhiệm lại ngại trách nhiệm, sợ trách nhiệm, không dám quyết đáp những vấn đề thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình, dẫn đến công việc bị trì trệ, thậm chí mất cả thời cơ. Theo tôi, có thể do một số nguyên nhân như sau: Thứ nhất, bản thân đội ngũ cán bộ có không ít trường hợp năng lực còn hạn chế, khi đặt vào vị trí đó cũng chưa thật thuộc bài, nên không thật nhuần nhuyễn chức năng, nhiệm vụ của mình, thế nên sợ sệt không dám quyết, tức là chưa thật “đúng vai, thuộc bài” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Thứ hai, chúng ta biết rằng, để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống là cả một quá trình, từ việc chuyển đổi nhận thức, đến vấn đề bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành cơ chế, chính sách và việc triển khai, tổ chức thực hiện ở các cấp. Trong các văn kiện của Đảng ta đều khẳng định  đường lối, chủ trương là đúng, nhưng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nên chủ trương, đường lối đi vào cuộc sống thường chậm và đã đi vào cuộc sống thì cũng bị rơi rụng, không còn nguyên vẹn nữa, nên hiệu quả thấp. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường căn dặn chúng ta là làm gì cũng phải “đúng vai, thuộc bài”. Đúng vai là anh làm đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mình, đừng có lấn sân và chòi sang việc của người khác, cơ quan khác. Thuộc bài là anh ngồi ở vị trí nào, anh phải biết rõ và làm đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trách nhiệm của mình và muốn làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình thì phải nắm chắc được nội dung, quy trình và các bước tiến hành một vấn đề cụ thể nào đó?.

Thực tiễn cho thấy, trong đội ngũ cán bộ của chúng ta hiện nay, không phải ai cũng thuộc bài hết đâu, do đó khi làm việc bị động, thậm chí lúng túng, không biết làm thế nào, thậm chí đó là việc của anh mà anh cũng không dám quyết đáp nữa. Thuộc bài cũng có nghĩa rộng hơn là với việc này thì làm theo quy định nào, chính sách nào, nghị định nào của Đảng, Nhà nước… Thứ ba, từ khi Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp vi phạm, phải xử lý kỷ luật của Đảng, thậm chí có một số phải xử lý bằng pháp luật, trong đó có cả cấp cao và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Vì thế, nhiều người sợ trách nhiệm, không dám quyết, dẫn đến đùn đẩy lên cấp trên, hoặc chờ ý kiến của tập thể, xin ý kiến của cấp trên, trong khi đó là nhiệm vụ, chức trách và thẩm quyền của mình. Bởi thế, cũng có người nói rằng “Thà phải đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn phải đứng trước tòa”.

Từ thực tiễn này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu, dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; đồng thời, nghiêm cấm việc lợi dụng chủ trương này để vụ lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Khi xem xét về vấn đề này, Bộ Chính trị thấy rằng: Đây là vấn đề lớn, quan trọng nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển của đất nước phồn vinh, hạnh phúc của tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, chứ không phải chỉ có đảng viên. Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung (nhiều người gọi là Kết luận 6 dám), đồng thời giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự đảng chỉ đạo ban hành quy định cụ thể để thực hiện. Trên cơ sở Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP, quy định cụ thể về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận và Chính phủ ban hành Nghị định về vấn đề này chính là để cụ thể thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) là: Trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước.

Nghị định của Chính phủ đã nêu rõvà cụ thể những cán bộ như thế nào là những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, thử thách, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, quy định rõ thế nào là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm? Khuyến khích bằng tinh thần, vật chất như thế nào? Bảo vệ những cán bộ này như thế nào?... Đây là cơ chế, chính sách và quy định của Nhà nước nên đảng viên hay quần chúng đều chấp hành.

Từ khi Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội đều thể hiện sự đồng tình, đánh giá cao và cho rằng: Những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung là vốn quý của Đảng, cần phải được khuyến khích và bảo vệ. Tuy nhiên, để chủ trương, chính sáchtrên đi vào cuộc sống, để biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trởthành cơm, áo, gạo,tiền thì cái quan trọng nhất là phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức từ trên xuống dưới, từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân, nhất là người đứng đầu ở các cấp. Những cán bộ năng động, sáng tạo… cần phải được tôn vinh, lan tỏa trong xã hội và trở thành một nét văn hóa của dân tộc thì mới khơi dậy, phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới vì lợi ích chung.Đặc biệt, là các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phải xác định đây không phải chỉ riêng địa phương, cơ quan, đơn vị mình, mà nó đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Vì thế, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh về công tác cán bộ và chỉ rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Thực tiễn đã cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm là: Ở bất cứ địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn vị nào, nếu người đứng đầu thực sự tâm huyết, gương mẫu, chỉn chu, có tâm, có tầm thì tình hình ở đó phát triển tốt, nhiệm vụ hoàn thành, đội ngũ cán bộ phát triển. Ngược lại, ở chỗ nào người đứng đầu không chuẩn chỉ, không gương mẫu, thậm chí có tiêu cực thì ở đó nhiệm vụ không hoàn thành, nội bộ phức tạp, cán bộ, đảng viên vi phạm.

Đây là một vấn đề mà trong thực tiễn hiện nay, ở chỗ này, chỗ kia, cấp này, cấp kia, lĩnh vực này, lĩnh vực kia, địa phương này, địa phương kia tuy không nhiều, nhưng vẫn xảy ra tình trạng là những người hăng hái, tích cực, thẳng thắn, thì cũng rất dễ mất lòng người khác và thậm chí có người còn bị trả giá. Theo quy định chung của Đảng, thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ chứ không còn là một kênh tham khảo nữa. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong những trường hợp đặc biệt thì cùng với kết quả lấy phiếu tín nhiệm vẫn cần xem xét và căn cứ thêm các kênh thông tin khác nữa, nhất là đối với những trường hợp có biểu hiện khác thường, để đề phòng những tiêu cực có thể xảy ra. Quan điểm của Đảng ta là dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và xây dựng đội ngũ cán bộ. Quan điểm này hoàn toàn đúng đắn, bởi vì, tôi có thể nói rằng: Không có gì người dân không biết đâu, người ta biết cả đấy, và người ta cũng nhìn nhận công bằng đấy. Do đó, cần thiết phải có một kênh để nghe tiếng lòng của người dân, nghe tâm tư của dân sẽ đánh giá cán bộ được khách quan, chính xác hơn. Như vậy, mới thực sự đúng với quan điểm, đường lối của Đảng ta là: dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Trong thực tế cũng có sự việc là tháng trước lấy phiếu tín nhiệm đồng chí này số phiếu tín nhiệm rất cao, thậm chí đưa vào nguồn cấp cao hơn. Thế mà chỉ có mấy tuần sau lại lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 96 thì tín nhiệm lại thấp. Như vậy, hai lần lấy phiếu gần nhau nhưng kết quả trái ngược nhau là điều không bình thường cần xem xét kỹ để có câu trả lời xác đáng cho sự việc này. Cũng có trường hợp vừa mới được tín nhiệm cao, sau đó lại phát hiện ra sai phạm phải kỷ luật, thậm chí bị khởi tố. Vì vậy, trong thực tế có những cán bộ thực sự có tâm, có tầm người ta cũng không không nặng về vật chất đâu, cái quan trọng nhất là người ta được đánh giá đúng và được trân trọng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Đối với mỗi con người, thì danh dự và lòng tự trọng mới là điều cao quý nhất”.

Xin cảm ơn ông!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận