Qua thực tiễn tại địa phương, đơn vị, ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Thạch Hà cho rằng, lấy chất lượng đảng viên làm trung tâm “xoay chuyển” chất lượng tổ chức đảng - người đứng đầu được ví như trụ đỡ trục xoay đó.
Như VOV đã đề cập ở bài viết trước về công tác tạo nguồn đảng viên có ý nghĩa quyết định thành công trong xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và phát triển đảng viên. Nhờ tạo nguồn được thực hiện bài bản, có hiệu quả, cùng với đó là công tác giáo dục lý tưởng chính trị, đạo đức lối sống… được thực hiện thường xuyên, nên chất lượng đảng viên các tỉnh vùng Bắc Trung bộ có bước chuyển mình đáng kể. Đây chính là “trụ đỡ, trục xoay chuyển” để từng bước xây dựng, củng cổ tổ chức đảng ở các địa phương này. Tiếp tục loạt bài “Xây dựng củng cố tổ chức đảng - xây dựng niềm tin trong nhân dân” VOV.VN gửi tới độc giả bài 2 với nhan đề “Lấy chất lượng đảng viên làm trung tâm “xoay chuyển” chất lượng tổ chức đảng”.
Mỗi buổi sinh hoạt chi bộ Thanh Lan, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đều được Bí thư Chi bộ Phan Xuân Hội phân công đảng viên kể một mẫu chuyện kể về Bác Hồ để các đảng viên trong chi bộ cùng nghe, cùng “tự soi, tự sửa”.
"Nghe câu chuyện của Bác liên hệ bản thân trong câu chuyện này có gì sai, cái gì chưa làm được cần phải khắc phục thế nào. Chi uỷ có quyển sổ theo dõi, tháng đó đạt chưa, chưa đạt thì tiếp tục tự soi tự sửa, làm thường xuyên để chừng nào làm được thì thôi. Chất lượng đảng viên được nâng lên rất cao" - Bí thư chi bộ Phan Xuân Hồng nói.
Qua các buổi sinh hoạt chi bộ, đảng viên Hồ Viết Hải, và Nguyễn Thị Thanh đã tự nhận ra khuyết điểm để tiếp tục hoàn thiện mình hơn:
"Lúc đầu tôi chỉ đạo, vận động bà con nhân dân mà công việc không đạt thì tôi hay nóng vội, nói to, họ cũng ý kiến là đừng có nạt bây tôi, nhưng không phải tôi nạt mà tính nói to như vậy. Rút ra được kinh nghiệm là tự mình khắc phục được và mình đã gương mẫu hơn thì tín nhiệm của mình trong nhân dân cao hơn".
Với quan điểm xây dựng củng cố tổ chức đảng phải bắt đầu từ mỗi đảng viên. Khi mỗi cá nhân đảng viên thấm nhuần, gương mẫu, sẽ chuyển hoá thành sức mạnh của tổ chức đảng. Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã ban hành quy định nêu gương của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, người đứng đầu. Theo ông Lưu Xuân Đồng, Bí thư Đảng uỷ xã Thạch Khê, Đảng uỷ xã đã gắn trách nhiệm phát triển kinh tế xã hội, cụ thể là xây dựng nông thôn mới đến từng cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.
Ông Lưu Xuân Đồng cho rằng, là người đứng đầu, là cán bộ, nhưng mình dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cán bộ, đảng viên, thì việc tự soi, tự sửa rất dễ: "Mình muốn soi ra là tính cầu thị, soi ra là gì thì “cọc đèn tối chân” - mình không thể biết được mình, mà phải người khác góp ý cho mình nữa thì tự soi, tự sửa rất là hay".
Qua thực tiễn tại địa phương, đơn vị, ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Thạch Hà cho rằng, lấy chất lượng đảng viên làm trung tâm “xoay chuyển” chất lượng tổ chức đảng - người đứng đầu được ví như trụ đỡ trục xoay đó.
Theo ông Trần Hữu Nghĩa, việc tự soi, tự sửa này dựa trên tính tự giác quan trọng nhất, cảm giác như cơn gió nhẹ nhàng trong sinh hoạt chi bộ, còn nếu nói tự phê bình, phê bình thì rất nặng nề. Vì vậy, Đảng ta nên tiếp tục theo hướng này, tạo ra công cụ xây dựng đảng nhẹ nhàng, nhưng danh dự, văn minh, đạo đức, như Bác Hồ đã nói.
"Xâu chuỗi cái nêu gương với tự soi, tự sửa và Trung ương 4 khoá XI;XII, thành cái chung, lấy nêu gương làm đầu, chức vụ càng cao càng phải nêu gương trong tự soi, tự sửa. Người nắm giữ cương vị người ta cũng thấy nhẹ nhàng chứ không phải tố cáo gì mình" - ông Trần Hữu Nghĩa nói.
Khi phương thức xây dựng, củng cố tổ chức đảng được vận hành đúng đắn đã tác động lên nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, làm thay đổi vai trò, vị trí của đảng viên, chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; các buổi sinh hoạt đảng trở thành “diễn đàn” để “tập huấn” nghiệp vụ, từ điều hành, lựa chọn nội dung sinh hoạt, đến kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên, chi bộ.
Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Bí thư Thị uỷ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho rằng, trong “trục xoay chuyển” đó, Thị xã Kỳ Anh lấy sinh hoạt điểm của cấp uỷ, chi bộ làm phương thức tác động cơ bản lên các nhóm nhiệm vụ khác của Nghị quyết 21: "Việc góp ý cho nhau trở thành diễn đàn tập huấn không có giáo viên. Với cách làm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, tạo được nhận thức đồng bộ, lan toả và chuyển biến từ cấp uỷ đến đảng viên các chi bộ. Đây là nét mới chúng tôi thấy là quan trọng là lựa chọn được phương thức tác động, làm thế nào để thay đổi được nhận thức và phát huy được nội lực của chi bộ, đảng bộ".
Nếu như Hà Tĩnh lấy giáo dục chính trị làm trọng tâm, thông qua các chuyên đề, phong trào thi đua như “Chi bộ 4 tốt”, “Đảng bộ cơ sở 4 tốt”… để từng bước xoay chuyển chất lượng đảng viên, củng cố tổ chức đảng thì Nghệ An, Thanh Hoá, khi chất lượng đầu vào kết nạp được đảm bảo, tập trung xoay chuyển chất lượng tổ chức đảng với điểm nhấn là các hoạt động sinh hoạt Đảng.
"Cụ thể biểu hiện ở chỗ thực hiện một số nhiệm vụ của chi bộ, thôn bản, một số chưa gương mẫu. Phải nói thẳng, nói thật như thế. Thậm chí ở đây có các đồng chí cấp trên tôi vẫn nói chưa bằng các quần chúng, nhất là trong công tác xã hội. Ngay cả gia đình của các đồng chí đảng viên ngồi đây này, có người nhà đi đổ rác lung tung này. Tôi bắt gặp 2; 3 lần rồi, đừng có nói ai cả, mình cứ về kiểm điểm bản thân mình đi đã"- Đây là không khí buổi sinh hoạt chi bộ bản Lũng, xã tam Thái, huyện biên giới Tương Dương tỉnh Nghệ An.
Ở nơi biên giới xa xôi này, trước đây rất khó tổ chức các buổi sinh hoạt đảng, có chăng cũng chỉ là hình thức. Thế nhưng, từ khi thực hiện Quy định 08 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về đánh giá chất lượng sinh hoạt bằng hình thức chấm điểm theo 05 nhóm tiêu chí.
Đảng viên Kha Văn Thường nhận thấy sinh hoạt đã đi vào thực chất: "Tổ chức triển khai lấy ý kiến tất cả các đồng chí trong cấp uỷ sau đó chúng ta mới trình chi bộ trong các cuộc sinh hoạt thì lúc đó các ý kiến đó mới tập trung hơn, kể cả trong thảo luận cũng tập trung".
Sinh hoạt chi bộ thực chất, hiệu quả, trước hết là nhờ đội ngũ đảng viên thường xuyên được bồi dưỡng, giáo dục về chính trị, tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ; những người đứng đầu gương mẫu, trách nhiệm thì tinh thần, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng cao, đặc biệt là hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành công việc ở cơ sở, điển hình như ở huyện Quế Phong, theo đánh giá của ông Sầm Văn Duyệt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy.
"Trong bản có việc người dân hay thả rông trâu, bò, thì vai trò của đảng viên trong việc hạn chế thả rông trâu bò như thế nào, bàn sâu biện pháp cụ thể; hay như ở một số thôn/bản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vứt vỏ bao, làm ô nhiễm môi trường, thì mình phải làm như thế nào, thu gom như thế nào, vai trò của đảng viên làm sao trong việc đó; chỉ nhận được đơn giản vậy thôi, thì chúng tôi nghĩ cái đó cũng thể hiện vai trò của gương mẫu của người đảng viên"- ông Sầm Văn Duyệt nói.
Xây dựng củng cố tổ chức đảng thực chất là nâng cao tinh thần, sức chiến đấu của tổ chức đảng đó. Cách làm của mỗi địa phương có thể khác nhau, nhưng đều phải chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên. Số liệu cập nhật cho thấy, những năm gần đây các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, đặc biệt chú trọng nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, và coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức khác nhau.
Như nhìn nhận của ông Hà Văn Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng giúp cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, tự rà soát lại chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác; kiểm điểm, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến trách nhiệm của bản thân. Từ đó, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, phát huy những ưu điểm.
"Xây dựng chỉnh đốn đảng, tự soi, tự sửa ở đây là làm cho bản thân mình mạnh lên, tổ chức đảng mình mạnh lên, mỗi cán bộ đảng viên mạnh lên và quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ mình vượt qua được khó khăn, hạn chế được cái sai. Và chính những từ những tấm gương cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo, có sức lan toả lớn trong nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân, động viên cấp dưới. Đây cũng chính là nội dung nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên và người đứng đầu từ đó tạo ra hiệu ứng lan toả trong toàn đảng, toàn xã hội"- ông Hà Văn Hùng chia sẻ
Xây dựng tổ chức cơ sở đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Thực tế cho thấy, ở đâu tổ chức đảng vững mạnh thì tình hình an ninh chính trị ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Bởi lẽ, Đảng ta không có mục tiêu nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với Đảng, “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Nội dung này sẽ được VOV.VN đề cập ở phần cuối của loạt bài này, quý độc giả đón xem.
Sỹ Đức/VOV1