“Một trong những khó khăn của ngành thanh tra hiện nay là khi phát hiện tiêu cực thì cái nào chuyển cơ quan điều tra, cái nào không chuyển. Những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ thường mời đại diện của Bộ Công an, Viện kiểm sát và Ban Nội chính Trung ương để cùng bàn xem, mang tính chặt chẽ hơn” - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Ngành thanh tra đạt được nhiều dấu ấn trong năm 2023
Ngày 29/12, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành thanh tra. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong dự và chủ trì Hội nghị.
Theo đó, năm 2023, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã bám sát định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra và thanh tra đột xuất, tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, đồng thời chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật với tập thể, cá nhân có vi phạm; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Đồng thời, ngành thanh tra đã chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Trong đó, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tập trung thanh tra vào công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có một số cuộc thanh tra chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ giao.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, trong năm 2023 ngành Thanh tra đã phát hiện 114 vụ việc, 176 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 22 vụ, 35 người. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 54 vụ, 97 người. Qua giải quyết khiếu nại, tổ cáo phát hiện 38 vụ, 44 người liên quan đến tham nhũng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cần tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh và Nghị định hướng dẫn thi hành; khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành các thông tư hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần khẩn trương triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được phê duyệt theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh:
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó quan tâm triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng.
Năm 2023, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 7.600 cuộc thanh tra hành chính và trên 193.700 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi tài sản; xử phạt vi phạm hành chính; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hàng trăm vụ việc, đối tượng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, ngành thanh tra cần giữ vững các tiêu chí: “Nghiệp vụ phải tinh thông, đạo đức phải trong sáng, làm việc phải công tâm.”
Phát biểu Kết luận Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, năm 2023 là năm đầu tiên ngành Thanh tra triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 nên khối lượng công việc tăng nhiều. Trong đó, việc thanh tra, phát hiện các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đặt ra là một trong những mục tiêu hàng đầu.
“Tập trung thanh tra các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, đấu thầu, mua sắm tài sản công, mua bán trái phiếu, chứng khoán… Phải tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động thanh tra.” – Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết.
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, toàn ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có vi phạm. Đẩy mạnh công tác giám sát sau thanh tra, tăng tỉ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng.
“Một trong những khó khăn của ngành thanh tra hiện nay là khi phát hiện tiêu cực thì cái nào chuyển cơ quan điều tra, cái nào không chuyển. Những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ thường mời đại diện của Bộ Công an, Viện kiểm sát và Ban Nội chính Trung ương để cùng bàn xem, mang tính chặt chẽ hơn” - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Về định hướng trong năm 2024, ngành thanh tra xác định tiếp tục bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra. Bên cạnh đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra.
Theo VOV.VN