Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập Đối tác Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, đây là những mô hình độc đáo với cả phía Hà Lan cũng như Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam cho hay, năm 2023 là năm Việt Nam và Hà Lan kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong suốt chặng đường nửa thế kỷ vun đắp và phát triển của mối quan hệ này, hai bên đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, không chỉ bao gồm kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển mà còn cả những lĩnh vực then chốt về ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chung tay ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Năm 2019, lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác toàn diện.
Trước đó, hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (năm 2010), Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (từ năm 2014). Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, đây là những mô hình độc đáo với cả phía Hà Lan cũng như Việt Nam và đều phát huy hiệu quả trong thời gian qua.
Sự gắn bó giữa Hà Lan và ĐBSCL
Biến đổi khí hậu là một điểm nhấn trong quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan. Trong mối quan hệ hợp tác này, đối tượng thụ hưởng nhiều nhất ở phía Việt Nam là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hà Lan và ĐBSCL có sự tương đồng. Đất nước Hà Lan về mặt diện tích cũng như dân số tương đương với ĐBSCL. Hà Lan chịu những tác động của biến đổi khí hậu khi nằm dưới mực nước biển. Theo các nghiên cứu đánh giá, trong vòng 100 năm nữa, nếu không có các biện pháp gì và với tốc độ nước biển dâng như hiện nay, một nửa ĐBSCL cũng sẽ nằm dưới mực nước biển. Sự tương đồng này đã dẫn đến quan hệ hợp tác có hiệu quả.
“Hà Lan giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể tích hợp để phát triển ĐBSCL, trong đó có đầy đủ biện pháp về thích ứng với biến đổi khí hậu và cả về phát triển nông nghiệp. Một trong những tư vấn lớn nhất của Hà Lan là thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta ở khu vực ĐBSCL. Trước đây, khi hoạch định chính sách ở khu vực này, chúng ta thường làm theo hình thức chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì xây đê lên để ngăn lại. Thế nhưng quan điểm của người Hà Lan là “thuận thiên”, tức là bên phải sống thuận với khí hậu chứ không phải là chống lại nó. Trước đây ta ngăn không cho nước mặn xâm nhập. Còn bây giờ chúng ta phải tùy theo các khu vực mà phát triển nông nghiệp cho thuận với biến đổi khí hậu”, Đại sứ Ngô Hướng Nam nói.
Không chỉ giúp lên kế hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL, phía Hà Lan cũng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình hành động cho kế hoạch này. Tham gia vào chương trình là các công ty giàu kinh nghiệm của Hà Lan, với tiềm lực lớn cả về tài chính và công nghệ.
“Hà Lan đã gắn bó với ĐBSCL suốt chặng đường phát triển từ 10-15 năm trước và sẽ còn một chặng đường dài đồng hành với đồng ĐBSCL trong tương lai. Chính vì thế Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vừa rồi qua thăm Việt Nam đã nói rằng ĐBSCL giống như một phần của đất nước Hà Lan. ĐBSCL được xem như mối nhân duyên để hai nước có sự gắn bó chặt chẽ với nhau”, Đại sứ Ngô Hướng Nam cho biết thêm.
Tiềm năng hợp tác về công nghệ
Không chỉ hợp tác về thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, hiện nay Hà Lan còn là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong khối EU và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu.
Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau và một trong những dư địa cần phải khai thác mạnh mẽ chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, Hà Lan tuy là đất nước nhỏ nhưng có tiềm lực rất lớn. Sở dĩ họ làm được như vậy là nhờ 3 điểm mà họ rất tự hào, đó là 3 cảng Seaport (cảng biển), Airport (cảng hàng không) và Brainport (cảng trí tuệ).
“Hà Lan xếp thứ 7 về chỉ số đổi mới và sáng tạo. BrainPort, hay còn gọi là “Thung lũng Silicon” của Hà Lan là nơi tập trung tất cả các công nghệ cao cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Hà Lan rất lớn. Tỷ lệ lớn hơn rất nhiều nơi trên thế giới là đặc thù của Brainport”, Đại sứ Ngô Hướng Nam cho biết.
Ông nêu ví dụ về công ty ASML chuyên sản xuất máy cái để sản xuất chip. Doanh số một năm của ASML là 23 tỷ USD và họ chi tới 4 tỷ USD cho R&D (nghiên cứu và phát triển). Tỷ lệ % trích từ doanh thu cho R&D rất cao, do đó Hà Lan rất mạnh về phát minh và công nghệ.
Điểm đặc trưng thứ hai cho sự thành công của Brainport là mô hình “ba nhà” (nhà nước, viện – trường và doanh nghiệp). “Ba nhà” nằm chung trong một khu vực và có sự gắn bó chặt chẽ đã tạo nên sự thành công cho Hà Lan.
Khi tới thăm Brainport tại Eindhoven của Hà Lan vào tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã rất ấn tượng về các mô hình của Hà Lan.
Thủ tướng cũng đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng một Brainport tại Hà Nội theo mô hình Brainport tại Eindhoven với quy hoạch, cơ chế, chính sách phù hợp, phát huy vai trò của “ba nhà”, huy động các nguồn lực, trong đó có sự chung tay của các doanh nghiệp lớn từ châu Âu.
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, triển khai đề xuất này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, những doanh nghiệp công nghệ cao của Hà Lan đã bắt đầu đến Việt Nam. Ông tin rằng sẽ có ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp như vậy đến Việt Nam vì Việt Nam có tiềm năng rất lớn và điều kiện thuận lợi để tiến đến vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoàng Kiều Trang/VOV.VN