Việt Nam và Trung Quốc đã có một Tuyên bố chung dài nhất trong lịch sử. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Vụ trưởng vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN về kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Nguyễn Vinh Quang đã có 45 năm nghiên cứu về Trung Quốc.
Ý nghĩa lớn nhất của chuyến thăm đó là thời điểm
PV: Thưa ông, ý nghĩa lớn nhất trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là gì?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam thể hiện ý nghĩa lớn nhất, đó là thời điểm.
Thứ nhất, một năm qua, kể từ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022), chúng ta đã giải quyết với nhau được rất nhiều vấn đề. Suốt 1 năm qua, quan hệ giữa hai nước phát triển rất thuận lợi. Điều này thể hiện rất rõ qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và nhiều lãnh đạo cấp cao khác của các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đến Trung Quốc. Chỉ có những lúc quan hệ thuận lợi, hai bên mới thăm viếng lẫn nhau nhiều như vậy. Đấy là về chính trị - ngoại giao.
Thứ hai, về kinh tế - thương mại, năm vừa qua cũng rất thuận lợi. Có thể thấy, một số vấn đề sau đại dịch được tháo gỡ và tôi gọi chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Việt - Trung. Giai đoạn mà sự hợp tác diễn ra trong không khí thuận lợi hơn, sáng sủa hơn. Thế nên, sẽ không sai khi nói rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử.
Và trong không khí thuận lợi đó đã diễn ra chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thứ ba, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hai nhà lãnh đạo có thể ngồi lại với nhau xem 15 năm qua, những gì làm được, những gì chưa làm được, tiếp theo sẽ làm như thế nào để xứng đáng với mối quan hệ đó. Và có thể thấy, việc xác lập khuôn khổ hợp tác đó là hoàn toàn đúng đắn.
Thứ tư, từ ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1991), duy nhất chỉ có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình 3 lần thăm Việt Nam trên cương vị đó và có thể chưa phải là lần cuối cùng. Điều này chứng tỏ, ông Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam.
Tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc dài nhất từ trước đến nay
PV: Vậy thành công lớn nhất của chuyến thăm này là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Muốn biết thành công của chuyến thăm đến đâu thì có thể đọc Tuyên bố chung giữa hai nước. Tuyên bố rất dài, đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô đến những vấn đề vi mô, chi tiết. Phạm vi rất rộng, từ ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dânn…Đây là một Tuyên bố chung rất dài, phá kỷ lục các Tuyên bố chung từ trước đến nay giữa hai nước. Nếu như Tuyên bố chung năm ngoái nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dài hơn 6.000 chữ thì Tuyên bố chung lần này dài hơn 8.000 chữ. Định lượng cũng thể hiện định tính.
Bên cạnh đó, 36 thỏa thuận được ký kết giữa hai nước là một số lượng chưa từng có. Chúng ta chưa bao giờ đạt được số văn kiện hợp tác nhiều đến thế với bất kỳ nước nào, chiều dài phá kỷ lục. Trong đó có 4 thỏa thuận về chính trị - ngoại giao, 4 thỏa thuận về an ninh - quốc phòng , 24 thỏa thuận liên quan đến kinh tế - đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng…và 4 thỏa thuận giữa các địa phương. Cái đó nói lên một điều rất quan trọng: Nói cho nhân dân hai nước và thế giới biết độ tin cậy của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Đó là lòng tin chiến lược và hai bên quyết tâm thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển. Cấp cao đã thỏa thuận như vậy thì cấp dưới sẽ biết việc mình phải làm là gì.
Cánh cửa giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc rộng hơn
PV: Thưa ông, là người am tường về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, ông có kỳ vọng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc dựa trên nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tốt đẹp, tôi kỳ vọng rằng, từ nay, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có phạm vi hợp tác rộng hơn, chất lượng hợp tác cao hơn, lợi ích thực tế sâu hơn. Cánh cửa giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc rộng hơn.
Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, tôi rất quan tâm đến việc giao lưu nhân dân. Như vậy, nhân dân hai nước có thể giao lưu với nhau qua nhiều kênh khác nhau như công đoàn, thanh niên, phụ nư…tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên. Đó chính là quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
PV: Với 2 nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Trung Quốc, cá nhân ông có kỷ niệm gì?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Khi còn công tác, với cương vị là Vụ trưởng vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương, tôi có nhiều cơ hội làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những vấn đề Trung Quốc do chúng tôi đề xuất được Tổng Bí thư rất quan tâm, tin cậy. Tôi đã có 45 năm nghiên cứu về Trung Quốc. Đặc biệt, trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư sang Trung Quốc, tôi đều được tháp tùng và nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước, tôi cũng được tham gia.
Tôi cũng có may mắn tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong các cuộc tiếp khách Việt Nam. Trước kia, tôi làm Công sứ (Phó Đại sứ) Việt Nam tại Trung Quốc. Tôi cũng là một trong những dịch giả của cuốn sách “Tập Cận Bình bàn về quản lý, điều hành đất nước”. Tôi chủ trì việc dịch và hiệu đính cuốn sách đó. Tôi cũng đã có những công trình nghiên cứu về tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, cũng viết nhiều bài về vấn đề này. Một số bài được in thành sách.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hương Giang - Trọng Phú/VOV.VN (Thực hiện)