Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ nhất Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV

Chiều 8/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV chủ trì Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV.

 

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; các Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo một số nội dung, trong đó có dự kiến phân công, dự thảo quyết định thành lập Thường trực Tiểu ban, Tổ biên tập và bộ phận giúp việc, dự thảo các quy chế làm việc của Tiểu ban, của Tổ biên tập, cũng như lộ trình, kế hoạch thực hiện các công việc, nhiệm vụ của Tiểu ban. Các thành viên đã tập trung đóng góp vào dự kiến kế hoạch công tác, dự kiến Cơ quan thường trực và Tổ Biên tập, dự kiến chương trình tổng thể và lộ trình thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nhiệm vụ của Tiểu ban rất quan trọng và Trung ương đã phân công tới 53 đồng chí tham gia thực hiện công việc này trong đó có 6 Ủy viên Bộ Chính trị, 2 Bí thư Trung ương và 45 Ủy viên Trung ương Đảng.

Sản phẩm cuối cùng của Tiểu ban là Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng.

Thủ tướng nhấn mạnh, nội dung, chất lượng và hình thức Báo cáo phải đáp ứng các yêu cầu chủ yếu cụ thể là: Bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến 2045.

Đánh giá tình hình phải khách quan, đúng, sát thực tiễn, chỉ ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo, nhận diện rõ những đặc thù, cơ hội, thách thức; đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới phù hợp với bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế, vừa bảo đảm tính đột phá, khả thi, vừa có tính phấn đấu cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.

Các quan điểm, định hướng, đột phá và nhiệm vụ, giải pháp phải dựa trên căn cứ lý luận vững chắc và sát hợp với tình hình thực tiễn; vừa kế thừa, phát huy những thành tựu của gần 40 năm đổi mới, vừa phải bổ sung, phát triển, bảo đảm phù hợp với xu hướng vận động trong nước và thế giới.

Báo cáo về kinh tế - xã hội cần nhất quán về những tư tưởng, quan điểm lớn trong Báo cáo chính trị; cụ thể hóa các nội dung về kinh tế, xã hội và thể hiện ở mức độ phù hợp, cần thiết đối với các lĩnh vực liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Báo cáo là văn kiện quan trọng của Đảng, vì vậy cần mang tầm tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo lớn nhưng thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Tránh đưa vào những nội dung không cần thiết, sáo rỗng, không nội hàm cụ thể, khó vận dụng; làm sao để tư tưởng, tinh thần về phát triển kinh tế - xã hội trong văn kiện thấm sâu vào từng ngành, từng địa phương để vận dụng vào thực tiễn.

Đối với các nội dung về thành lập các cơ quan, bộ phận giúp việc; quy chế, cách thức tổ chức công việc và lộ trình, kế hoạch thực hiện của Tiểu ban Thủ tướng cho biết, Tiểu ban nhất trí về việc thành lập Thường trực Tiểu ban với thành viên như trong dự thảo để chỉ đạo thường xuyên công tác của Tiểu ban giữa các Phiên họp của Tiểu ban.

Nhất trí thành lập Tổ biên tập, trong đó nên có cơ cấu theo nhóm như: Tổng hợp; Kinh tế; Văn hóa - Xã hội; Tài nguyên, Môi trường, Biến đổi khí hậu; Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, pháp luật, thanh tra; Quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong đó Tổ Biên tập là những đồng chí có trình độ, kinh nghiệm, tinh nhuệ do các cơ quan liên quan lựa chọn và cử tham gia, đồng thời tạo điều kiện thời gian để làm việc, nhất là các đồng chí trong nhóm thường trực Tổ Biên tập. Tinh thần là không cần nhiều mà cần chất lượng “tinh hơn đa”.

Tổ Biên tập cần phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong việc triển khai soạn thảo từng nội dung và tổng hợp, biên tập, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền. Việc xây dựng văn kiện tiến hành qua nhiều vòng như: Khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến của cán bộ lão thành, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, ý kiến của Nhân dân, doanh nghiệp, xin ý kiến Trung ương, Bộ Chính trị... trước khi trình Đại hội.

Thủ tướng đã chỉ rõ các quy chế làm việc của Tiểu ban, Tổ Biên tập, đồng thời nhấn mạnh, các công việc cần triển khai từ nay tới Phiên họp thứ hai của Tiểu ban trong đó nhấn mạnh yêu cầu, Xây dựng đề cương có cơ cấu hợp lý, thể hiện rõ tinh thần đổi mới và những vấn đề cốt lõi, thể hiện được ý chí dân tộc, có quyết tâm cao để làm cơ sở cho các Ban, Bộ, ngành, cơ quan và các địa phương chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp với tinh thần vươn lên trong bối cảnh mới và yêu cầu mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian cho việc xây dựng đề cương trình Hội nghị Trung ương không còn dài, trong khi còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, vì vậy cần phải khẩn trương thực hiện.

Để có đề cương tốt, bài bản, khoa học cần xác định những vấn đề trọng tâm cần phải tập trung tổ chức nghiên cứu sâu. Làm rõ về bối cảnh, tình hình, các xu hướng lớn trên phạm vi toàn cầu, khu vực…, về tư duy, quan điểm phát triển như làm rõ các mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội - môi trường, giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững; giữa phát triển toàn diện với tập trung mũi nhọn; giữa Nhà nước và Thị trường; giữa bảo đảm nền kinh tế tự chủ, tự cường với xu hướng mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế…. Xác định rõ các đột phá; mục tiêu với các thành tố và định hướng cụ thể về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường sinh thái, xây dựng nhà nước, quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại và hội nhập quốc tế và các vấn đề cụ thể khác...

Về cách làm và tổ chức triển khai cụ thể, Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung huy động mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để tổ chức, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời huy động các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu làm rõ các vấn đề trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới.

Cần thường xuyên trao đổi thống nhất với các Tiểu ban; Tập hợp các tư liệu, dữ liệu liên quan làm cơ sở, căn cứ nghiên cứu xây dựng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê xây dựng bộ số liệu chung về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ và thống nhất làm cơ sở cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIV, trong đó có Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.

Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì nghiên cứu tổng kết đánh giá các nội dung, lĩnh vực phụ trách của ngành, địa phương mình, làm rõ kết quả đạt được, những vấn đề còn hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm; nghiên cứu làm rõ những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực phụ trách; xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp đột phá.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Tiểu ban là rất nặng nề, do đó trong triển khai, phải huy động được trí tuệ, có phương pháp tiếp cận tốt và làm sao có nhiều thông tin nhất, cả trong nước, quốc tế để có nhận định và giải pháp tốt; Các cấp, các ngành và các tổ chức và cá nhân liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, bám sát kế hoạch công tác của Tiểu ban. Trong quá trình xây dựng văn kiện cần phát huy dân chủ, tập trung, trăn trở trước nhiệm vụ phát triển của ngành, của lĩnh vực, của địa phương, của đất nước. Từng thành viên Tiểu ban, Tổ Biên tập phải đổi mới cách làm, cả về phương pháp và nội dung để có văn kiện tốt nhất.

Thủ tương tin tưởng rằng, với nỗ lực cao nhất, với trí tuệ, kinh nghiệm và tinh thần cầu thị, tiểu ban sẽ xây dựng được Báo cáo với chất lượng cao nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ban Chấp hành Trung ương giao phó, góp phần vào tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận