Sáng 29/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV.
“Quy định nồng độ cồn bằng 0 là mệnh lệnh phải thực hiện”
Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đặt câu hỏi liên quan đến việc nhiều ý kiến của ĐBQH trái chiều về quy định “nồng độ cồn bằng 0” khi lái xe quy định tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nêu ra quy định, cấm tuyệt đối hơi thở có nồng độ cồn. Trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia tại khoản 6, Điều 5 có quy định những hành vi cấm, trong đó có cấm tuyệt đối việc uống rượu bia trước, trong khi lái xe.
Ông Nguyễn Minh Đức cho hay, về nguyên tắc trong hệ thống pháp luật của Việt Nam cần thống nhất tất cả các luật với nhau. Xây dựng luật sau dựa trên cơ sở lấy nguồn của luật trước. Trên cơ sở nguồn của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã đề xuất nội dung trên vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng cho rằng, thông qua ý kiến thảo luận của các ĐBQH, việc đánh giá đầy đủ và thấu đáo nhất. Quan điểm của cơ quan thẩm tra là hoàn toàn đồng ý với cơ quan soạn thảo đó là tuân thủ các quy định của hệ thống pháp luật.
Theo ông Đức, trên cơ sở Ủy ban Quốc phòng, an ninh hằng năm đánh giá thẩm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, tổng kết cho thấy, các vụ tai nạn giao thông đường bộ có 43% vụ xuất phát từ rượu bia.
“Tôi cho rằng đây là mệnh lệnh và cần phải thực hiện. Chúng tôi mong, các cơ quan báo chí tuyên truyền để thay đổi nhận thức, người dân ủng hộ. Chúng tôi tin rằng, Quốc hội cơ bản sẽ đồng ý nội dung này”, ông Đức nhấn mạnh.
Người đã có thẻ căn cước không phải bổ sung thông tin về mống mắt
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cũng trả lời câu hỏi về việc Luật Căn cước có quy định thu thập thông tin về mống mắt. Như vậy, việc thu thập sẽ diễn ra như thế nào? Người đã có thẻ căn cước công dân vậy có thu thập nữa hay không?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, thu nhập mống mắt là một trong những nhóm sinh trắc học được quy định trong luật và là vấn đề mới cần thiết bị chuyên dụng của cơ quan quản lý căn cước.
Theo đó, khi người dân đến làm mới, hoặc đổi lại thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước sẽ thu nhập thông tin để làm giàu trong dữ liệu về căn cước công dân, cũng như dữ liệu cơ sở dữ liệu dân cư. Trong quá trình đó máy móc chuyên dụng sẽ thu thập toàn bộ mống mắt.
“Đối với công dân đã có thẻ căn cước đang có giá trị thì vẫn được sử dụng, có giá trị sau khi luật có hiệu lực. Cho nên không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện khai báo thông tin nữa, trừ trường hợp công dân có nhu cầu cần bổ sung và đổi thẻ”, ông Đức cho hay.
Hiện có nhiều loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại, gồm: Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số, thẻ căn cước công dân mã vạch, thẻ căn cước công dân gắn chip.
Theo đó, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2024) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Đối với CMND còn thời hạn sử dụng, luật nêu rõ là được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Lê Hoàng/VOV.VN