Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, việc Đảng ban hành liên tiếp 3 quy định 114, 131, 132 sẽ là "tay vịn", là chỗ dựa vững chắc, là những công cụ sắc bén cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực.
Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong những tháng vừa qua của năm 2023 đó là nhiều chủ trương, giải pháp, quy định quan trọng về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTNTC được chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt. Đáng chú ý, nhiều văn bản quan trọng về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành.
Tự kiểm soát để nghiêm khắc với chính mình
Cùng với quy định về kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ (Quy định 114) được ban hành tháng 7/2023, thay thế Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định 131 về về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và Quy định 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đồng thời được ban hành trong tháng 10/2023 được xem như là những “tay vịn” vững chắc, là những công cụ sắc bén cho công cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực của Đảng.
Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, qua 3 “công cụ” chống tham nhũng, tiêu cực vừa được Bộ Chính trị ban hành, ông cảm nhận rất rõ sự quyết tâm, nghiêm túc của Đảng với vai trò, vị thế của một Đảng cầm quyền trong công tác xây dựng, chỉnh đốn và làm trong sạch Đảng. Sự nghiêm túc thể hiện ở việc Đảng nhận thức rất rõ quyền lực mình có được là do nhân dân, Tổ quốc ủy thác, quyền lực đó phải được sử dụng để phục vụ lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Phải có quyết tâm rất lớn, Đảng mới ban hành những quy định để tiết chế, kiểm soát quyền lực của mình, để nghiêm khắc với chính mình.
“Đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực của chúng ta được triển khai thực hiện một cách khoa học, bài bản, đã trở thành nguyên tắc chính trị. Tôi cho rằng nhận định của Tổng Bí thư là hoàn toàn đúng”, Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hồng Tung bày tỏ.
Theo Giáo sư, 3 quy định này có mối liên hệ, tác động tương hỗ thế nào trong công tác kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng tiêu cực?
Muốn chống tham nhũng tiêu cực, trước hết những cơ quan đặc trách có vai trò phòng chống tham nhũng tiêu cực phải tự mình liêm chính, ngay thẳng, tự làm gương sáng về đạo đức cách mạng. Cho nên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói rằng, phải chống tham nhũng ở chính những cơ quan chống tham nhũng. Thực tế là những người được phân công giữ những nhiệm vụ cụ thể trong hệ thống cơ quan kiểm tra, kiểm sát, phòng chống tham nhũng cũng là những con người cụ thể và họ cũng có nguy cơ bị sa vào chủ nghĩa cá nhân, "phơi nhiễm" với tham nhũng, tiêu cực như những cán bộ khác.
Tuy nhiên, không như những người khác, họ được đào tạo về chuyên môn phòng chống tham nhũng, nên nếu họ không liêm chính, sa vào tham nhũng thì họ nguy hiểm hơn cán bộ ở những vị trí khác nhiều lần. Như vậy, toàn bộ cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng có thể bị tê liệt, phản tác dụng. Thực tiễn đó đòi hỏi phòng chống tham nhũng tiêu cực ở ngay chính cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tiêu cực rất bức thiết. Chưa kể, đó chính là những cơ quan đầu tiên cần đảm bảo độ tin cậy tối đa trong Đảng.
Có thể nói, Đảng ta đã chuẩn bị được đầy đủ kinh nghiệm thực tiễn, tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận để đồng loạt tạo ra "lồng cơ chế" để nhốt quyền lực, kiểm soát quyền lực trước hết bằng 3 quy định rất quan trọng 114, 131 và 132 đều nhằm vào tiết chế, kiểm soát quyền lực. Tôi tin rằng, sau các quy định này, sẽ còn những văn bản có tính chất pháp lý khác chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, khoa học hơn để các quy định, luật pháp đó trở thành công cụ hữu ích của Đảng, lúc đó mới có thể chặn đứng được và dần bài trừ nguy cơ tham nhũng.
Dưỡng liêm cho cán bộ bằng cả vật chất lẫn tinh thần
Chúng ta phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết ở chính những cơ quan phòng chống tiêu cực. Vậy khi phát hiện cán bộ ở những cơ quan, lĩnh vực này tham nhũng, tiêu cực, việc xử lý cũng cần mang tính nêu gương, răn đe?
Theo tôi, cán bộ chống tham nhũng cũng là con người, cũng có nhu cầu như tất cả mọi người, cho nên để đảm bảo cho họ liêm chính tuyệt đối phải có biện pháp dưỡng liêm cho họ. Nghĩa là nuôi dưỡng đạo đức, sự liêm chính của đội ngũ đó. Trong triều đình quân chủ ở ta trước đây có đội ngũ ngự sử đài, ngôn quan, đàn hặc quan…, những vị đó là những người rất bản lĩnh, tài giỏi và chính trực.
Họ luôn giữ những vị trí được vua ban cho nhiều bổng lộc hơn những vị trí khác để họ không có nhu cầu phải tham nhũng, sẵn sàng liều mình để can vua chứ không chỉ đàn hặc những sai lầm của các vị quan khác. Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng tiêu cực ở cả bên Đảng, chính quyền, cần đảm bảo về vật chất, để họ thấy rằng khi sa vào tham nhũng họ sẽ mất rất nhiều.
Bên cạnh đó, cần dưỡng liêm bằng tinh thần, phải động viên họ bằng những huân danh cao quý, để họ luôn giữ liêm sỉ, danh dự của mình, không sa vào "bẫy" của tham nhũng. Đấy là những việc chúng ta chưa làm được.
Nếu nói là những người làm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực là rất vất vả, áp lực, vậy có vất vả bằng những người công nhân chui xuống hầm mỏ hàng trăm mét để đào than; có căng thẳng, áp lực bằng những bác sĩ cầm dao mổ, nắm giữ mạng sống con người trong tay, sơ suất có thể gây ra tội lớn; nguy hiểm làm sao có thể so được với những chiến sĩ ở ngoài biên cương, hải đảo…Để có sự ưu đãi đặc biệt đối với những người làm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, cần có sự đồng thuận rất cao của nhân dân, xã hội.
Chúng ta đã từng có ưu đãi phụ cấp nghề nghiệp cho giáo viên, ưu đãi cho những người làm việc ở môi trường độc hại, ưu đãi chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chiến sĩ ở biên giới hải đảo… như thế chúng ta cũng có thể có chế độ ưu đãi đối với cán bộ chống tham nhũng. Nhưng cái chính là ưu đãi thế nào cho phù hợp, nếu ưu đãi tùy tiện thì đó lại là tham nhũng; tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách tất yếu sẽ sinh ra tham nhũng của cải, tiền bạc.
Công khai, minh bạch, quang minh chính đại sẽ có được những công cụ, chính sách để xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính và hiệu quả.
Đãi ngộ lớn có đi kèm với thưởng, phạt nặng hay không. Thưởng phải cao để người ta đủ sức hút mà thi đua lập thành tích; ngược lại phạt cũng phải rất nặng để cho người ta kinh hãi không dám phạm tội. Chúng ta làm gương cho phòng chống tham nhũng ở cơ quan chống tham nhũng là thượng tôn pháp luật, thượng tôn những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, nhưng không thể tùy tiện gia tăng hình phạt cho bất kỳ ai. Người ta có khuyết điểm, tội lỗi cũng phải xử phạt theo đúng quy định của pháp luật chứ không thể tùy tiện gia tăng, tội đến đâu phạt đến đó, đó là lẽ công bằng, là nguyên tắc bất di bất dịch của nhà nước pháp quyền.
Cho nên khi đề ra những biện pháp cụ thể để giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực sao cho hiệu quả đòi hỏi phải có nghiên cứu rất cặn kẽ, thậm chí phải lấy ý kiến của nhân dân, lấy ý kiến của chính đội ngũ đó thì mới có thể ban hành chính sách có hiệu quả.
Ông đánh giá thế nào khi trong một thời gian ngắn, Bộ Chính trị ban hành 3 Quy định về phòng chống tham nhũng?
3 quy định này được ban hành là một tiến bộ rất lớn, vừa thể hiện được tính chất quản trị, khoa học, giống như một chiếc “phanh hãm” của hệ thống chính trị; đồng thời cũng tạo hành lang pháp lý, hành lang chính sách đề chúng ta có thể tổ chức tốt hơn đội ngũ làm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở chính các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng tiêu cực.
Tuy nhiên, các công cụ về pháp luật và công nghệ của chúng ta chưa cho phép và vì thế phải hoàn bị các công cụ đó, có như vậy các quy định của Bộ Chính trị mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Cụ thể, nếu những quy định đó được thể chế vào trong luật tổ chức chính quyền nhà nước, luật kiểm toán, luật thanh tra… mọi việc đều trở nên quang minh chính đại. Thêm nữa, cần tìm được cầu nối để toàn xã hội đồng thuận, ủng hộ, và đặc biệt có niềm tin tuyệt đối vào lực lượng này. Giống như chúng ta đi xe, phanh tốt, chúng ta sẽ rất tự tin, và yên tâm về chiếc xe mình đi; nhưng đi cái xe mà biết phanh trục trặc, không một phút giây nào chúng ta được an toàn.
Công tác truyền thông để có thể huy động sức mạnh toàn dân, vì Nhà nước ta là nhà nước của dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng…, cho nên toàn dân cùng với Đảng, cùng với hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở vị trí của mình. Lúc đó, đội ngũ làm công tác cán bộ sẽ tìm thấy sức mạnh của mình trong sự ủng hộ của nhân dân sẽ làm tốt hơn.
Thế giới đã bước vào kỷ nguyên số, công nghệ số là rất quan trọng và tin cậy. Tôi muốn bổ nhiệm một cán bộ vào một vị trí nào đó, thông qua cơ sở dữ liệu số, người làm công tác cán bộ truy cập theo đúng thẩm quyền vào đúng cơ sở dữ liệu của cán bộ đó sẽ rõ hết, truy xuất nguồn gốc từng bằng cấp, như thế sẽ không có chuyện gian lận bằng cấp, rồi tất cả tài sản đều có nguồn gốc, cán bộ kê khai đầy đủ, được quản trị trên nền tảng số… nhiều nước phát triển đang làm.
Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu cá nhân, sở hữu tư nhân tối đa với tài sản cá nhân; tài sản của anh được pháp luật bảo hộ và là bất khả xâm phạm; nhưng đi kèm theo điều kiện bất kỳ tài sản nào của anh cũng phải giải trình và có thể giải trình được, nếu không giải trình được đương nhiên bị coi là tài sản phi pháp. Làm như vậy sẽ không có chỗ cho người trốn thuế, gian lận, tham ô, tham nhũng. Chúng ta vẫn chưa có được công cụ hỗ trợ đó, trong khi tài sản của tất cả cán bộ không thể kiểm soát được cho nên nhiều câu hỏi của người dân chúng ta không thể trả lời được: cán bộ nhà nước hưởng lương theo ngạch bậc, lương chừng đó lấy đâu ra để anh mua bao nhiêu xe, bao nhiêu nhà, cho con đi du học, xây biệt phủ...
Bộ công cụ sắc bén cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực
Hành vi vi phạm càng được nhận diện rõ thì càng dễ phòng ngừa; càng quy định cụ thể càng dễ kiểm soát. Ở 3 quy định trên đây, ông có thấy được tinh thần này chưa?
Tinh thần cụ thể ngày càng rõ hơn, nhưng chúng ta không bao giờ có thể quy định được cụ thể hết những diễn biến muôn hình vạn trạng của thực tiễn, trong khi tham nhũng lại thiên biến vạn hóa. Không quy định cụ thể, chỉ chung chung thì không vận dụng được nhưng nếu chỉ đánh cược vào cụ thể thì đến lúc nào đó chúng ta sẽ bị “việt vị”, không theo kịp tình hình thực tế.
Cho nên chúng ta “dĩ bất biến, ứng vạn biến” ở những vấn đề có tính nguyên tắc thì mới nắm được chuôi. Nắm đằng chuôi là chúng ta nắm về đạo đức cách mạng, hay việc giải trình tài sản của mọi công dân. Chừng nào vẫn còn tài sản “trôi nổi”, phần chìm nhiều hơn phần nổi, phần hợp pháp kiểm soát được ít hơn phần bất hợp pháp thì sẽ rất khó.
Như vậy có thể nói, công tác kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được đặt đúng tầm, đúng trọng tâm, thưa Giáo sư?
Đến bây giờ theo tôi về cơ bản đã đúng tầm và đúng trọng tâm.Vì thế những quy định vừa rồi sẽ là tay vịn, chỗ dựa vững chắc, là những công cụ sắc bén cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Đất nước phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhưng những “thiên biến vạn hóa” của nạn tham nhũng sẽ còn phát sinh ở nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau nên không thể chủ quan, phải tiếp tục nghiên cứu giúp cho Đảng, Nhà nước theo dõi, kịp thời bổ sung những quy định này. Trước mắt là phù hợp, sau này chắc chắn sẽ lạc hậu với thực tế, điều này chúng ta cần phải lường trước.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo VOV.VN