Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt được kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Công tác chỉ đạo, điều hành, sự phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cho rằng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Theo đó, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, năm 2023 số đơn thư tăng mạnh, nhất là số đơn thư tiếp nhận của các bộ ngành tăng cao, tỷ lệ đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cao lại càng giảm, việc chuyển đơn và xử lý đơn còn nhiều bất cập...: “Theo quy định của pháp luật, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết, nhưng thực tế người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thường gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền, đồng thời gửi đến cả những cơ quan không thuộc thẩm quyền giải quyết nên số đơn tiếp nhận của các bộ, ngành tăng cao. Do vậy, số lượng đơn không đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao thì càng tăng, dẫn tới tỷ lệ đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm”.
Theo báo cáo của các địa phương đã tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại và giải quyết được 856/1.003 vụ việc, đạt 85,3%; còn lại 147 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Đến nay, qua theo dõi trụ sở tiếp công dân trung ương, tình trạng các đoàn khiếu kiện đông người lên trụ sở các cơ quan Trung ương để khiếu nại, tố cáo các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã giảm, cơ bản được kiểm soát.
“Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường và phát huy trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn lại”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp 91%); đối với cấp tỉnh có chuyển biến tích cực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã trực tiếp tiếp 79%, cao hơn 2% so với năm 2022 (77%) và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2021 (56%); tuy nhiên, đối với cấp Bộ thì chỉ đạt 60% theo quy định.
“Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới”, ông Tùng cho hay.
Trong số đơn đã được xử lý, số đơn có đủ điều kiện xử lý chiếm tỷ lệ 76,8% (năm 2022 là 86,8%) và càng lên cấp cao hơn thì tỷ lệ này càng giảm (ở địa phương là 83,3%; ở bộ, ngành là 53,6%; ở Thanh tra Chính phủ là 39,3%).
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Theo VOV.VN