ĐBQH: Vụ Vạn Thịnh Phát có thể chỉ là 'bề nổi của tảng băng bị vỡ'

Đại biểu Quốc hội cho rằng, vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay...

 

Đại biểu Quốc hội nhận định, vụ Vạn Thịnh Phát có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ.

Vụ Vạn Thịnh Phát là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay

Sáng 21/11, sau khi nghe báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực mặc dù đạt được nhiều kết quả rất khích lệ, tuy nhiên, các loại tội phạm có loại giảm không nhiều, có nhiều loại lại tăng, nhất là tài sản bị thiệt hại tăng hơn 450%; án mạng tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,40%...

Thậm chí, có loại tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc; tội phạm trong hoạt động đăng kiểm; đào tạo sát hạch lái xe; cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Còn xuất hiện băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức với nhiều đối tượng tham gia in ấn, mua bán bằng cấp, giấy tờ giả ở nhiều địa phương; vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11kg ma tuý được giấu trong tuýp kem đánh răng... Theo ông Hoà, "đây là hiện tượng bất thường".

Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng nêu những vụ việc thể hiện sự phức tạp trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm như: vụ án Vạn Thịnh Phát - khi các tội phạm thực hiện hành vi làm khống cả nghìn hồ sơ để chiếm dụng trên 1 triệu tỉ đồng của Ngân hàng SCB. Trong đó, có hàng trăm nghìn tỉ tiền gửi của người dân. Thậm chí, Trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD .

"Đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay, số lượng tiền bị chiếm dụng có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất. Vụ này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ”, đại biểu Hòa nói, đồng thời cho biết, người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản tiền của các đối tượng trong vụ án này.

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hoà, dư luận đang đặt vấn đề việc có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng sai sự thật nhằm mục đích chuyển từ tiền gửi sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Hậu quả có cả nghìn người đã gửi đơn khiếu nại làm giảm lòng tin người dân vào hệ thống ngân hàng và hoạt động bảo hiểm.

Dư luận cũng rất quan tâm đến việc lãng phí tài sản công, mua sắm, bất động sản, chi tiêu... Số này lại không phát hiện xử lý, nếu lãng phí mà có số liệu chứng minh có thể thất thoát ngân sách không ít hơn tham nhũng.

Đại biểu lo ngại, trong năm tới, tình hình trật tự xã hội lại diễn biến phức tạp khó lường, gây tâm lý hoang mang lo lắng trong lòng nhân dân. Các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng cầm đầu mặc dù được ngăn chặn kịp thời, nhưng vẫn còn "lọt lưới những con cá to trốn khỏi đất nước" chưa bắt giữ được, gây khó khăn cho công tác tố tụng. Cùng đó, tài sản tham nhũng được thu hồi cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Từ những vụ việc nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hoà mong muốn Chính phủ, các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay, số vụ việc, số người vi phạm tăng.

Đại biểu cho rằng, cần tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, lấy lại lòng tin với người dân, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.

Với thực trạng trong năm 2023, số vụ vi phạm về trật tự xã hội tăng và tăng số người chết, số người bị thương, tăng thiệt hại về tài sản, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, phân tích đánh giá sâu hơn các nguyên nhân đối với nhóm tội phạm này. Trong đó, phân tích các nguyên nhân liên quan đến vấn đề về giáo dục, sự ảnh hưởng tiêu cực của bùng nổ thông tin, sai lệch nhận thức cần được phân tích làm rõ.

Đồng thời, đưa ra giải pháp căn cơ, nhất là giải pháp về giáo dục hình thành, nuôi dưỡng nhân cách đạo đức con người; cách tiếp cận, sàng lọc thông tin; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng… Để từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%. Điều này cho thấy, nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm.

Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu rõ, cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến cán bộ cao cấp ở địa phương như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc sở, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp quận, huyện... (Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Cao Bằng...).

Việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm. Cụ thể các vụ án như: vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ án kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á; các vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam...

Cẩm Tú/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận