Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa: Từng bước trở thành Trường Chính trị chuẩn

Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện để phấn đấu sớm hoàn thiện và đưa nhà trường đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030.

 

Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa trải qua 75 năm xây dựng và phát triển (20/11/1948-20/11/2023), sinh ra, trưởng thành từ khói lửa chiến tranh, đây là nơi đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên của địa phương.  Hiện nay, nhà trường tập trung khắc phục các tiêu chí còn thiếu và còn yếu so với quy định trường chính trị chuẩn giai đoạn 1 của Ban Bí thư. Đồng thời, trường xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách khoa học, bài bản, phù hợp để phấn đấu sớm hoàn thiện và đưa nhà trường đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030.

Trưởng thành từ gian khổ

Tháng 11/1948, tại vùng chiến khu ở thượng nguồn Sông Chò, huyện Khánh Vĩnh, Tỉnh ủy Khánh Hòa khai giảng khóa huấn luyện cán bộ, đảng viên nhằm tạo nguồn của cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn cam go, khốc liệt. Năm 1998, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa lấy khóa huấn luyện cán bộ, đảng viên cuối tháng 11 năm 1948 làm khóa học tiền thân của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa và ngày 20 tháng 11 hàng năm làm ngày truyền thống của Nhà trường. Từ những học viên lớp huấn luyện đầu tiên cho đến nay Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa đã mở hơn 200   lớp trung cấp lý luận chính trị; mở hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với hàng chục ngàn lượt học viên như bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và chuyên viên chính, bồi dưỡng cán bộ các đoàn thể chính trị, xã hội, bồi dưỡng đại biểu HĐND…. Nhà trường đã phối hợp, liên kết với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 23 lớp cao cấp lý luận chính trị cho những cán bộ cốt cán của tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, còn  liên kết với các học viện, trường đại học đào tạo các ngành: Đại học Hành chính, đại học xây dựng Đảng, đại học chính trị chuyên ngành công tác tư tưởng, thạc sỹ luật...

Cơ sở vật chất của Trường ngày càng khang trang, đầu tư hiện đại đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới.

Bên cạnh việc làm tốt công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được quan tâm phát triển toàn diện, vừa phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, vừa góp phần tổng kết thực tiễn và tham mưu cho tỉnh trong việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2018 – 2022, Trường đã có 12 đề tài khoa học cấp cơ sở được nghiệm thu, có 53 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước, có 04 giảng viên có bài tham luận Hội thảo khoa học cấp Bộ, Trường đã chủ trì 02 Hội thảo khoa học cấp tỉnh, 10 hội thảo cấp trường, có 09 cuốn sách và 01 tập bài giảng đã được xuất bản. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức các hội thảo khoa học, các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm khai thác các giá trị lý luận, giải quyết các vấn đề thực tiễn để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Công tác nghiên cứu thực tế được nhà trường tổ chức hàng năm nhằm giúp đội ngũ giảng viên nhà trường tìm hiểu, nắm bắt tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy. Hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường mà còn nâng cao chất lượng tham mưu, cung cấp luận cứ khoa học cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh trong việc hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên không ngừng được bổ sung, trẻ hóa về số lượng và được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, trường có tổng số 46 viên chức và người lao động. Trong đó, có 29 thạc sĩ, 10 cử nhân; 24 giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị…, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Đội ngũ giảng viên của Trường có trình độ chuyên môn cao, sẵn sàng đáp ứng công tác đào tạo.

Từng bước trở thành trường chính trị chuẩn

Mấy năm gần đây, cơ sở vật chất của Trường được Tỉnh ủy Khánh Hòa quan tâm đầu tư, xây mới phục vụ ngày càng tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.  Từ khu vực hoang vắng, khô cằn, chưa có bóng cây xanh, tập thể nhà trường đã xây dựng thành nơi có môi trường, cảnh quan xanh mát, thân thiện.

Tháng 6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa có đề án xây dựng và phát triển trường Chính trị chuẩn tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2022-2030. Đây là cơ sở chính trị quan trọng, định hướng chiến lược cho quá trình phát triển mạnh mẽ của nhà trường trong giai đoạn tiếp theo.

Các Hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thường xuyên được Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

Thạc sĩ Trần Hoàng Hà, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, những thành tựu đạt được trong hơn 7 thập kỷ qua là động lực để nhà trường ngày càng phát triển trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng tỉnh Khánh Hòa phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố trực thuộc Trung ương theo mục tiêu Nghị quyết 09 /2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, định hướng năm 2045. Trước mắt, nhà trường tập trung thực hiện Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, rà soát, đánh giá khách quan các tiêu chí tập trung khắc phục các tiêu chí còn thiếu và còn yếu so với quy định trường chính trị chuẩn giai đoạn 1 của Ban Bí thư; đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách khoa học, bài bản, phù hợp, phấn đấu sớm hoàn thiện và đưa nhà trường đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức là nhiệm vụ then chốt. Nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham gia các chương trình nghiên cứu, bồi dưỡng, các hội thảo khoa học. Đồng thời, đề xuất chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, giảng viên của trường tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ. Đổi mới, thực hiện có hiệu quả công tác đi nghiên cứu thực tế nhằm bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên đổi mới, cập nhật nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm tính khoa học, liên thông và kế thừa giữa các chương trình; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động tự nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới của giảng viên; gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành, lấy người học làm trung tâm, kết hợp hiệu quả phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đưa việc học tập lý luận chính trị đi vào thực chất nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị cho học viên; đồng thời tăng cường đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá nhằm đánh giá một cách thực chất, toàn diện trình độ và kỹ năng của người học.

"Trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa phải phát huy hơn nữa tính chủ động trong nghiên cứu khoa học, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo để kịp thời giải đáp những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn sinh động của thế giới, đất nước và của tỉnh nhà. Nhà trường cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc đề xuất và tổ chức các hội thảo khoa học và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Bên cạnh đó cần đề xuất khen thưởng và chế độ ưu đãi đối với những giảng viên có nhiều công trình khoa học được đáng giá chất lượng”, Thạc sỹ Trần Hoàng Hà cho biết./.

********

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, với những thành tích đạt được trong thời kỳ đổi mới, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Giải phóng hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2019; bằng khen và cờ thi đua của Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh, Quân khu V và nhiều bằng khen, cờ thi đua của UBND tỉnh. Nhiều năm liền, Đảng bộ trường được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu, Đảng bộ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

 

Bình luận

    Chưa có bình luận