Ngoài đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết năm 2026, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ tăng cường các giải pháp, trong đó có tiết kiệm chi để đảm bảo chi lương.
Nghiên cứu chính sách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước
Nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên làm việc sáng 8/11, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội về việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tiên lương luôn là vấn đề được quan tâm, bởi góp phần tái sản xuất sức lao động, là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cho biết Nghị quyết 27 của Trung ương đã nêu rõ, song, thời gian qua chưa thực hiện được do nguồn lực khó khăn, trong đó nguyên nhân có ảnh hưởng của đại dịch, tác động của tình hình trong nước ngoài nước.
Song, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, điều quan trọng là đã cố gắng thiết lập quỹ lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm chi và hiện đã có nguồn cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết 2026.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm; tinh giản biên chế gắn với hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo chi lương.
Bên cạnh cải cách tiền lương khu vực công, Bộ LĐ-TB&XH cũng được giao cùng các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước để tiệm cận với nhau.
Phân cấp, phân quyền không có nghĩa là giao khoán cho cấp dưới
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) khi nêu vấn đề chất vấn cũng nói rằng, cử tri và dư luận vui mừng khi ngay đầu nhiệm kỳ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát, kiểm soát yền lực.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhiều lĩnh vực phân cấp, phân quyền chưa đạt muc tiêu như kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Thủ tướng phân tích nguyên nhân, định hướng giải pháp để thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Trước vấn đề đại biểu nêu ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương là rất rõ. Tăng cường phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của các cấp.
“Tuy nhiên, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn”, ông Phạm Minh Chính nói.
Đề cập nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng chưa thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đáng lưu ý là một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền.
Bên cạnh đó là năng lực cán bộ có mặt hạn chế nên việc lớn, việc mới khi được phân cấp, phân quyền thì thực hiện gặp khó khăn. Có vấn đề liên quan nhiều cấp, nhiều ngành nên việc phân cấp, phân quyền chưa đạt.
Do đó cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo. Mạnh dạn phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, để tránh việc né tránh, đùn đẩy công việc.Phân cấp, cấp phân quyền không phải giao khoán cho địa phương, cho cấp dưới mà phải kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói./.
Theo VOV.VN