Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Bảo đảm ổn định giá cả.
Trong chương trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV, sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng đàn báo cáo giải trình và trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Trong phần báo cáo giải trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cập nhật về tình hình KTXH trong thời gian vừa qua, đồng thời nêu rõ giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo ổn định giá cả
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo. Trong đó tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng; thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ, Tết.
Bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu; đồng thời theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.
Đối với việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là vấn đề rất quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cả về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện.
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng…. Đồng thời rà soát, đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh, quy trình thủ tục về thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.
Xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính; động viên, khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng, Nhà nước; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả.
Về các dự án hạ tầng quan trọng ngành giao thông, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia với 36 dự án, trong đó có 83 dự án thành phần.
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp: Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là về trình tự thủ tục đầu tư, thủ tục vốn ODA, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả; Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; xử lý các khó khăn về đường gom, đường tránh, nút giao cho người dân; Tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ biến động giá nguyên, vật liệu.
Sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý I/2024; rà soát, tính toán hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 05 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe và 7 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp; Nâng cao năng lực, chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát... Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Còn tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế
Về giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện chậm tiến độ, Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch COVID-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; các bất cập trong quy định về đăng ký, đấu thầu, mua sắm; còn có tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế; đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh còn hạn hẹp...
Thủ tướng khẳng đinh, với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân là trên hết, trước hết, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành; ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán bảo hiểm y tế.
Đến nay, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và yêu cầu khẩn trương xây dựng, triển khai phương án giải quyết những vấn đề tồn đọng của 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế để giải quyết các vấn đề thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và bảo hiểm y tế một cách căn cơ, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch; Thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế; Tập trung xây dựng cơ sở y tế mới góp phần giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh và phát huy vai trò của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.
Cùng với đó, Thủ tướng đã giải trình và đưa ra giải pháp cho các vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng; Về đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Về tăng năng suất lao động xã hội; Về các chỉ tiêu dự kiến khó đạt kế hoạch./.
Theo VOV.VN