Thành viên Chính phủ, trưởng ngành báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, trước khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là chất vấn những vấn đề đã chất vấn, giám sát, không phải là chất vấn những vấn đề nổi lên hiện nay. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn việc thực hiện các lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện 10 nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát.
"Ai hành động, ai có giải pháp thì cử tri và đại biểu đều biết"
Ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, thành viên Chính phủ, trưởng ngành hứa trước Quốc hội, trước cử tri thì phải cố gắng hoàn thành lời hứa của mình. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không phải lời hứa nào cũng làm được vì còn phụ thuộc yếu tố khách quan và chủ quan.
Ông ví dụ bộ trưởng hứa sẽ hoàn thành cây cầu, nhưng về vốn còn liên quan bộ khác, có vốn rồi lại cần giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm địa phương. Do đó, việc hứa và kết quả thực hiện thế nào cần xem bộ trưởng, trưởng ngành đó có quyết tâm không, có thực sự hành động không, có chính sách gì để thực hiện lời hứa và có tổ chức triển khai hay không. Còn kết quả không phải lúc nào cũng được như mong muốn.
“Như Thủ tướng Chính phủ từ khi nhậm chức không có mấy ngày nghỉ, Tết vẫn đi kiểm tra thực tế triển khai công trình trọng điểm. Đó là thực hiện lời hứa. Nhìn vào hành động và kết quả đất nước được như thế này chính vì các thành viên Chính phủ, những người có chức năng, nhiệm vụ đã thực hiện tốt lời hứa của mình” - ông Quản Minh Cường nói.
Vị trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ, có một số việc chưa đạt kết quả tốt, song đó chưa phải là bản chất, nên cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. “Nếu đại biểu Quốc hội phát hiện nguyên nhân do vị đó không thực hiện, thờ ơ, thiếu trách nhiệm thì chúng tôi sẵn sàng nêu trước Quốc hội”, theo ông Quản Minh Cường.
Qua quan sát từ đầu nhiệm kỳ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đánh giá nhìn chung người trả lời chất vấn nắm vững vấn đề, có chăng vẫn còn câu trả lời, giải thích mà cá nhân mỗi đại biểu chưa ưng ý và điều đó cũng dễ hiểu vì có nội dung còn quan điểm khác nhau.
Hơn nữa, có những vấn đề đặt ra đòi hỏi trí tuệ tập thể, hệ thống chính sách mà không phải chỉ trả lời mấy phút trên nghị trường là có thể rõ ngay được. Quốc hội với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục chất vấn, người có trách nhiệm phải tiếp tục giải trình, thực hiện lời hứa bằng hành động cụ thể.
“Tất cả không thể nói khác được, vì làm được hay không báo chí biết, người dân biết, đại biểu Quốc hội biết” – ông Quản Minh Cường nói, đồng thời đánh giá hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng thực chất hơn, thẳng thắn hơn, sôi nổi hơn và hiệu quả hơn.
Với tính chất là kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ, phiên giám sát của Quốc hội là chất vấn “quét lại” việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành và những yêu cầu của Quốc hội đặt ra trước đây.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc chia theo nhóm lĩnh vực là một đổi mới về cách thức tiến hành chất vấn. Điều này giúp phiên chất vấn tập trung hơn, sâu hơn, sát hơn và có thể đi đến tận cùng vấn đề.
“Tư lệnh ngành” phải nắm chắc vấn đề ngành mình
Còn theo Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp), việc chất vấn theo các nhóm lĩnh vực mà không cụ thể theo nhóm vấn đề đòi hỏi bản lĩnh và sự am hiểu toàn diện của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành.
“Cách chất vấn như vậy sẽ tạo ra một thách thức lớn cho người trả lời, đòi hỏi họ phải thể hiện sự tự tin, bản lĩnh và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình phụ trách trong suốt thời gian qua” - ông Phạm Văn Hòa nói.
Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, tuy đổi mới cách thức, nhưng chắc chắn các nội dung chất vấn đều nằm trong phạm vi trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành. Dưới góc độ là đại biểu Quốc hội, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, những vấn đề chưa được giải quyết hoặc mới phát sinh sẽ tiếp tục được quan tâm.
“Tôi hy vọng rằng người được chất vấn sẽ có sự tập trung, hiểu rõ vấn đề trong ngành của mình, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm và liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân” - đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT cho biết, thời gian qua, sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát ngay, giám sát thường xuyên chứ không phải chờ đến giữa nhiệm kỳ mới tổ chức giám sát. Đây cũng là điểm mới, làm cơ sở tốt hơn cho các đại biểu nhìn nhận, chất vấn các vấn đề giữa nhiệm kỳ.
Ông kỳ vọng, sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ đánh giá rất rõ những gì đã làm được, những gì chưa làm được để Quốc hội có một nghị quyết mới nhằm tiếp tục giám sát.
“Với cách tổ chức như vậy thì cử tri cũng dễ theo dõi hơn đối với việc thực hiện những lời hứa của các thành viên Chính phủ. Các “tư lệnh ngành” phải nắm chắc và trả lời tất cả các vấn đề từ đầu nhiệm kỳ chứ không phải chỉ riêng vấn đề nào, hay vấn đề chỉ diễn ra từ kỳ họp trước sang kỳ họp này. Đây cũng là dịp nhìn nhận lại công việc để tổ chức thực hiện, giải quyết tốt hơn”- ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của giám sát là để các yêu cầu, các vấn đề được giải quyết, mang lại hiệu ứng tích cực cho kinh tế - xã hội, giúp cuộc sống của người dân được ấm no.
Ngọc Thành/VOV.VN