Quốc hội thảo luận về nợ công và tài chính quốc gia

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đầu tư công, tài chính quốc gia, nợ công cũng như tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước.

 

Cụ thể, Quốc hội đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Cùng với đó là tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Các mục tiêu cụ thể cơ bản đều đạt Nghị quyết của Quốc hội đề ra

Các báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 cho thấy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành công tác quản lý vay, trả nợ công. Trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường ảnh hưởng lớn tới kinh tế trong nước, các chỉ tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 đã được Chính phủ chủ động kiểm soát.

Theo đó, sau 3 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cụ thể cơ bản đều đạt Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội đề ra; các chỉ tiêu an toàn nợ từng năm giai đoạn 2021-2023 đảm bảo trong các mức trần và ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt .

Công tác quản lý nợ công được điều hành chủ động, chặt chẽ, thận trọng. Chính phủ chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền và tích cực các biện pháp kiểm soát an toàn nợ công và các hạn mức nợ. Công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu chi của NSNN. Trong bối cảnh thu ngân sách vượt kế hoạch, giải ngân đầu tư công chậm hơn dự kiến, Chính phủ đã chủ động điều chỉnh nhu cầu vay, đảm bảo huy động đủ nguồn lực cho NSNN.

Chính phủ đã chú trọng việc đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước; phát hành trái phiếu Chính phủ tập trung vào kỳ hạn dài. Trong đó, vay trong nước dự kiến khoảng 547.085 tỷ đồng, trong đó chủ yếu phát hành TPCP.

Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân đạt mức 12,6 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 9-11 năm tại Nghị quyết số 23/2021/QH15). Kết hợp linh hoạt phát hành để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 57.294 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng mức vay.

Đảm bảo hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh.

Bội chi và nợ của chính quyền địa phương bảo đảm trong hạn mức cho phép. Thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn đảm bảo nghĩa vụ nợ đã cam kết, góp phần củng cố hồ sơ tín dụng và cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn về những vấn đề còn hạn chế trong công tác quản lý vay, trả nợ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Lưu ý vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu NSNN năm 2024 đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ phân tích kỹ những vấn đề này, có giải pháp điều hành cân đối NSNN chủ động, bảo đảm an toàn nợ công.

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích kỹ về hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả huy động vốn gắn với nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước. Qua số liệu quyết toán NSNN hằng năm cho thấy, số chuyển nguồn ngân sách lớn, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài rất chậm, trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất, trả phí cam kết, cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực.

Việc huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn. Việc giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài rất chậm, nhiều năm không đạt dự toán (luỹ kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 đạt 32,85% kế hoạch, năm 2022 đạt 45,45%, đều dưới 50%). Đây là vấn đề tồn tại đã kéo dài và diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, uy tín của Chính phủ, hạn chế lợi ích kinh tế - xã hội từ dự án. Điều này cũng dẫn tới các chi phí phát sinh ngoài kế hoạch dự kiến khi ký kết các hiệp định vay do không rút vốn đúng kế hoạch và do kéo dài thời gian, gia hạn hiệp định.

Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn về thực trạng hạn chế và phân tích sâu về nguyên nhân của vấn đề này. Trong đó, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan như: Phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án của bộ ngành, địa phương còn chậm, chưa sát, chưa điều chỉnh kịp thời.

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vốn đối ứng cho công tác bồi thường; chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu hoặc vướng mắc trong thực hiện hợp đồng với nhà thầu;

Chất lượng chuẩn bị dự án chưa đảm bảo, vướng mắc trong công tác điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Hiệp định vay; thủ tục thiết kế, thẩm định, phê duyệt kéo dài; vướng mắc do điều chỉnh danh mục hàng hóa để đảm bảo tỷ lệ xuất xứ. Việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay là khá phổ biến, trung bình mỗi năm làm thủ tục khoảng 20-30 dự án/hiệp định vay.

Công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương cần được tiếp tục củng cố.

Hiếu Minh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận