'SGK cho trẻ khiếm thính, khiếm thị cấp thiết hơn việc biên soạn một bộ SGK'

Theo ĐBQH Kim Thúy, Luật Giáo dục 2019 quy định: Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK mà không hề quy định nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ GD-ĐT

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (ĐBQH đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thay vì tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK, thì Bộ GD-ĐT nên tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, SGK dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... 

Phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) về việc giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, theo đại biểu Mai Hoa, Nghị quyết 88 mới là Nghị quyết gốc, tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề có khái niệm “Nghị quyết gốc” và cũng không hề phân biệt cấp độ của các Nghị quyết của Quốc hội.

“Dù đại biểu Hoa coi Nghị quyết 122 của Quốc hội là gì thì tổ chức, cá nhân liên quan vẫn phải thực hiện Nghị quyết này”, đại biểu Kim Thúy nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) phát biểu tranh luận.Nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng cũng cho rằng, theo quy định tại Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Hơn nữa, theo đại biểu Kim Thúy, Luật Giáo dục 2019 cũng chỉ quy định: Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK mà không hề quy định nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong phát biểu của mình, đại biểu Kim Thúy cho rằng, Quốc hội khóa này có quyền ban hành một Nghị quyết có nội dung khác với Nghị quyết 122, nhưng đại biểu băn khoăn có nên làm một việc xã hội đã làm không: “Việc thay đổi một chính sách lớn giữa chừng là một việc cần có thời gian nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động cẩn trọng”.

Theo nữ đại biểu, thực tế còn có một số ý kiến cho rằng “phải có một bộ SGK chuẩn”, nhưng hiểu như vậy là không đúng với Nghị quyết 88. Theo Nghị quyết này dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

“Tôi cho rằng, thay vì Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK thì Bộ tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, SGK dạy tiếng dân tộc thiểu số mới là việc cấp thiết”, bà Thúy bày tỏ quan điểm.

Xã hội hoá, không thương mại hoá SGK

Tiếp tục tranh luận về nội dung có nên có một bộ SGK do bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn hay không? Đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay, không có nghị quyết nào phủ quyết Nghị quyết 88 của Quốc hội. Mục 3, Điều 2 Nghị quyết 88 nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK và phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu tranh luận.Chỉ rõ Nghị quyết 88 được ban hành năm năm 2014, đến năm 2020 mới có Nghị quyết 122, đại biểu đặt vấn đề: 6 năm đó, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức thực hiện nghị quyết này? Đại biểu Trần Văn Sáu thể hiện băn khoăn trước việc thực hiện biên soạn SGK bằng hình thức xã hội hoá, dẫn tới việc thả nổi SGK, giá tăng và không kiểm soát được.

“Đảng kêu gọi xã hội hóa, chăm lo cho giáo dục nhưng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục. Xã hội hoá SGK là đúng, nhưng phải ở mức độ phù hợp. Không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa SGK”, ông Sáu nói.

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, đi tiếp xúc, cử tri ở đâu cũng than phiền giá SGK tăng cao. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hoá đều hạ giá, riêng SGK càng xã hội hóa thì giá càng tăng.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng giá SGK sẽ không tăng trong thời gian tới. Điều này trái với Nghị quyết 122 khi yêu cầu SGK phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thu nhập của người dân.

Lê Hoàng/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận