Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm thực hiện cải cách tiền lương khu vực công.
Chiều nay 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đề xuất xem xét giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động khu vực tư
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, bên cạnh những kết quả rất trân trọng, năm 2023, có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77-4,76 (chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,0 - 6,0%) và là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này.
Theo đại biểu, điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm: Giai đoạn 3 năm 2021 - 2023 chỉ đạt 4,36-4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.
Kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo sẽ khó khăn hơn, toàn cầu hóa và thương mại sẽ tiếp tục giảm (tháng 7/2023, IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 là 3% bằng với năm 2023. Tuy nhiên, đến tháng 10/23, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu 2024 xuống còn 2.9%).
Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 20 chỉ tiêu. Ông Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, đối với một số chỉ tiêu về kinh tế, việc đạt yêu cầu là hết sức khó khăn.
Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ tăng cường dự báo, đánh giá kỹ tính khả thi để trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp, đề nghị có giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu và cho từng năm từ nay đến hết năm 2025.
Đề cập giải pháp, vị đại biểu đoàn Lạng Sơn kiến nghị tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; bày tỏ đồng tình kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024.
“Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 01/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công”- ông Phạm Trọng Nghĩa nói.
Cùng với đó cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Báo cáo của Chính phủ đánh giá thủ tục hành chính của nhiều ngành, lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị trong Kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng rà soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Ngoài ra, ông Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong 6 nghị quyết nêu trên vào cuộc sống.
Cho rằng người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). Theo ông, đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.
"Bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp
Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình sức khỏe của nền kinh tế nước ta hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các gói chính sách của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, đại biểu cho rằng có nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm tới. Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định.
Đại biểu cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Đại biểu đề nghị cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai.
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cũng phản ánh các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành. Áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cho rằng tiếp cận vốn vay, đặc biệt là khoản vay trung - dài hạn gặp khó do điều kiện vay nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp, hầu hết chỉ có tiếp cận khoản vay ngắn hạn, đại biểu Phước đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến khó khăn của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ kịp thời thiết thực.
Đặc biệt, hiện doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng, cần thiết kế gói tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khơi thông vốn ngân hàng, hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay vốn.
Vị đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị đẩy mạnh cải cách thuế; lắng nghe, chia sẻ, giải quyết kiến nghị doanh nghiệp liên quan chính sách thuế, nghiên cứu chính sách thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng doanh nghiệp để có chính sách giảm giảm thuế phù hợp”, ông Phước nói.
Theo VOV.VN