Hiện nay, thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tình trạng "bong bóng", giá trên trời so với thực tế. Do đó, cần quy định hành vi cấm thao túng giá trong dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Sáng 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Góp ý vào dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH và trách nhiệm, tinh thần của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị dự án Luật rất quan trọng này.
“Hành vi thao túng trong thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay, thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tình trạng "bong bóng", giá trên trời so với thực tế”, đại biểu An nhấn mạnh.
Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai chỉ rõ, việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao.
“Nếu không xử lý vấn đề này triệt để thì sẽ tạo thành "bong bóng". Vì vậy, cần quy định hành vi cấm thao túng giá trong dự án Luật này”, ông An góp ý.
Theo ông An, hành vi thao túng không chỉ thông qua đấu thầu, đấu giá cao rồi bỏ cọc mà còn có việc dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác, tạo thành mặt bằng giá rất cao.
"Nếu chúng ta không xử lý được triệt để, sẽ tạo thành bong bóng và giống như sự cố đã xảy ra ở Trung Quốc", đại biểu An nói.
Cùng góp ý về các hành vi bị cấm, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
“Thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Sinh nói.
Theo đại biểu Sinh, quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 9 về điều kiện để kinh doanh bất động sản còn chung chung. Để thống nhất với các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời đảm bảo đầy đủ điều kiện, tránh trường hợp bỏ sót nhiều tổ chức không đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia kinh doanh bất động sản, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh, bổ sung nội dung.
Cụ thể, ông Sinh cho rằng: “Không trong thời gian đang bị cấm kinh doanh, đang bị cấm huy động vốn hoặc đã chấp hành xong án phạt nhưng chưa được xóa án tích về tội phạm trong hoạt động, hoặc có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản hoặc đang bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, hoặc chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong hoạt động hoặc có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cũng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, trong đó có việc cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá nhằm thổi giá đất ở các khu vực xung quanh.
“Thực tế thời gian qua, hành vi này diễn ra phổ biến, làm giá đất tăng cao, người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, bất động sản không thể mua đất và xây dựng nhà ở”, ông Thông nói.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng, thị trường BĐS thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư các dự án BĐS lợi dụng hình thức đặt cọc, hợp đồng góp vốn để huy động vốn một cách tùy tiện, gây mất an ninh trật tự.
Thực tế cho thấy nhiều dự án sau khi nhận đặt cọc sau 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng này xảy ra./.
Theo VOV.VN