Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV dành toàn bộ ngày làm việc hôm nay 30/10, để giám sát tối cao về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội ghi nhận các Chương trình mục tiêu quốc gia là chủ trương đúng đắn quan trong được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tán đồng. Việc triển khai bước đầu đã đạt được những kết quả thiết thực, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi đã có nhiều khởi sắc.
Còn nặng thành tích để “bằng chị bằng em”
Phát biểu trên hội trường, sáng 30/10, Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Chính phủ, Ban chỉ đạo cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia về khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện thời gian qua nên đã có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ, sửa đổi bổ sung những văn bản chồng chéo, bất cập, cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng địa phương.
Dẫn kết quả chương trình nông thôn mới, ông Phạm Văn Hoà cho biết, đến nay, cả nước có hơn 6.000 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; đặc biệt 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới).
Tuy nhiên, đại biểu nêu bất cập khi một số địa phương chưa ban hành tiêu chí NTM phù hợp với vùng đồng bào dân tộc, miền núi, giải ngân chậm, vốn đối ứng cao gây khó khăn cho các tỉnh thu nhập thấp, xã được công nhận NTM hoặc nâng cao chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí, có sự du di để đạt tiêu chí, còn nặng thành tích để “bằng chị bằng em”, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được, cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa.
Đại biểu cũng lưu ý việc vận động xã hội hoá rất khó khăn, mô hình sản xuất theo hướng bền vững, xanh, sạch còn chậm và nhân rộng còn là thách thức. Bên cạnh đó, năng lực của cán bộ làm công tác xây dựng NTM còn có những mặt hạn chế nhất định, lại luôn thay đổi do yêu cầu nhiệm vụ ...
“Việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn là điều cần phải tránh, các tiêu chí phải đảm bảo, khi nào đạt thì mới công nhận” – ông Hoà nêu quan điểm.
Đại biểu đề nghị cần khắc phục việc hướng dẫn, phân bổ vốn Trung ương chậm vì “có vốn mà không giải ngân được hoặc chậm đến tay người dân là có lỗi với dân”.
Ông nêu thực tế, các xã khu vực 2,3 khi đạt chuẩn NTM thì không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội của Nhà nước nên biểu hiện chần chừ không muốn phấn đấu đạt chuẩn, thậm chí có xã đến ngưỡng rồi vẫn chần chừ, đó là nghịch lý. Do đó, cần phải hài hoà lợi ích trước mắt và lâu dài của các xã, để đạt sự đồng thuận cao.
Ngoài ra, cần khắc phục biểu hiện tự mãn của tổ chức, cá nhân khi đã đạt chuẩn NTM, thiếu tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát duy trì nâng chất lượng các tiêu chí, trông chờ ỷ lại vào cấp trên về kinh phí.
Cũng đánh giá cao kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, song ông Phạm Văn Hoà cho biết, giám sát chỉ ra sự phối hợp giữa các bộ ngành trung ương với địa phương có mặt chưa chặt chẻ, cần phải xử lý để guồng máy hoạt động tốt.
Hiện giải ngân vốn đạt rất thấp, dưới 50%, thậm chí có những dự án đạt dưới 10% “là chuyện dài nhiều tập”, làm ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, gắn với trách nhiệm. Bởi, giữa các địa phương cũng có kết quả giải ngân khác nhau trong khi có cùng một cơ chế, chính sách, thời điểm phân bổ, giao vốn...
Vì sao tái nghèo?
Nhiều đại biểu cũng cảnh báo tình trạng tái nghèo và chỉ ra nhiều nguyên nhân. Song theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan là do thiết kế nội dung dự án cấu thành chương trình chưa có dự án cụ thể nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khoẻ người dân ở địa bàn khó khăn.
Ông phân tích, một nguyên nhân phổ biến gây tái nghèo là gia đình có người ốm đau, thậm chí cả họ dồn sức, tiền của chăm sóc rồi lại tái nghèo. Các bệnh lý phổ biến như huyết áp, đái đường... cần chăm sóc thường xuyên nhưng nguồn lực y tế cơ sở hạn chế nên tỷ lệ biến chứng rất cao ở các vùng quê nghèo.
“Nhà có người bệnh lên thành phố chữa trị là tiền của ra đi, thậm chí phải vay nợ, ra viện về không lao động được lại trở thành gánh nặng cho gia đình chăm sóc” – ông Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, đồng thời đề nghị quan tâm việc chăm sóc sức khoẻ người già, trẻ nhỏ để tránh tình trạng như báo cáo giám sát đánh giá là giảm nghèo nhưng chưa được nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không ít ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền chưa tốt, nhận thức người dân còn hạn chế nên có hiện tượng chưa muốn thoát nghèo. Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng cần phân tích căn cơ hơn.
“Người dân chưa muốn thoát nghèo vì từ cách làm đến chất lượng chương trình chưa thực sự làm cho người dân tin, chưa có sự bền vững hoặc tính bền vững chưa cao. Nó là ranh giới, hết chương trình, hết dự án thì nghèo lại hoàn nghèo. Cách làm và chất lượng các chương trình đảm bảo bền vững cao thì người dân không ai muốn quay lại nghèo” – ông Tạ Văn Hạ nói.
Đồng tình về quản lý kết quả đầu ra, song theo ông Tạ Văn Hạ, phải tăng cường xây dựng, ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, nhất là cấp tỉnh.
“Địa phương tập trung làm nhà ở rồi thì tiền dự kiến cho làm nhà đó cho người ta giải quyết nước sạch, chứ thay đổi một chút lại trung ương xin điều chỉnh, phê duyệt thì rất mất thời gian, nhiêu khê. Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, chỉ tiêu làm sao đạt được, còn cách làm thế nào để tỉnh chủ động” – ông Hạ đề xuất.
Ngọc Thành/VOV.VN