'Kinh tế Việt Nam năm 2023 giống như người sau mổ, đi được là thành công rồi'

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, GDP của Việt Nam khoảng 5% là đáng ghi nhận trong bối cảnh tác động của đại dịch và các xung đột trên thế giới...

 

Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 về tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra và dự báo tăng trưởng GDP đạt trên 5%.

Quốc hội đánh giá, kết quả trên mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức.

Nhìn lại bối cảnh để trân trọng kết quả

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) lưu ý, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính được đưa ra vào ngày 20/7/2021 - khi đất nước đang đối mặt với đại dịch Covid-19.

Đại dịch đang gây hậu quả nghiêm trọng nhưng khi đó chưa hình dung được mức độ nghiêm trọng thế nào, cuối cùng thấy rằng rất khủng khiếp, gây tổn thất về người, vật chất và tinh thần. Tác động đó không thể một tháng, một năm có thể giải quyết được.

“Hình dung vừa cấp cứu, ra khỏi phòng hậu phẫu, bệnh nhân đứng lên đi được đã thành công, giờ yêu cầu chạy nhanh hơn thì không khéo té ngã. Đây là điểm khi đánh giá cần nhìn nhận thực tế” - ông Trần Hoàng Ngân nói.

Chưa hết, dịch bệnh vừa đi qua thì lại xảy ra xung đột Nga - Ukraine gay gắt, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe doạ. Gần đây lại thêm xung đột ở Dải Gaza. Trong khi đó nền kinh tế Việt Nam có độ mở lên tới 200% GDP nên chịu tác động rất lớn.

Trong bối cảnh bất lợi cả từ bên ngoài và bên trong như vậy, nhưng kinh tế Việt Nam trong Quý 1 tăng trưởng 3,3%, Quý 2 là 4,1%, Quý 3 là 5,33% và dự báo cả năm tăng khoảng 5% là nỗ lực rất đáng trân trọng.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra các mục tiêu phấn đấu và triển khai 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp. “3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn giá trị hiện hữu” - ông khẳng định.

Về thể chế, Quốc hội và Chính phủ đã và đang rất nỗ lực và có bước tiến khi xây dựng và xem xét thông qua bình quân 8-9 dự án luật và nhiều nghị quyết ở mỗi kỳ họp. Trong đó có những cơ chế, chính sách đặc thù để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Hay về hạ tầng, năm 2023, vốn đầu tư phát triển tăng 40% so với năm 2022, quyết tâm trong kỳ trung hạn sẽ triển khai hết 2,87 triệu tỷ đồng. Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, ngoài ra cần “xin thêm” vì bối cảnh hiện tại đầu tư công là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết điểm nghẽn, làm bệ phóng tăng tốc cho kỳ kế khoạch 2026-2030. Để tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi tường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm logistic... thì nên cần tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.

Bên cạnh hạ tầng kinh tế, giao thông thì hạ tầng số cần được quan tâm để phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Hơn nữa, cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm, nhất là những đầu tàu như Hà Nội, TP.HCM.

Với nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, GS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng cần đột phá ở đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Bộ Chính trị vừa qua có nghị quyết về phát triển doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới, nên cần sớm thể chế để đội ngũ này phát huy ý chí, khát vọng vì đất nước phồn vinh, hưng thịnh.

“Lấy” của DN và người dân nhiều rồi, nên “bồi dưỡng” trở lại

Nhấn mạnh cần cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nhân phát triển, vị đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM nói: “3 năm nhìn lại nguồn thu ngân sách không giảm, với tổng thu khoảng 5 triệu tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch 5 năm. Như vậy, chúng ta đã “lấy” của doanh nghiệp và người dân nhiều rồi. Do đó sớm “bồi dưỡng” trở lại cho doanh nghiệp, người dân”.

Doanh nghiệp hiện đang rất khăn, biểu hiện rõ nhất khi số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến... Do đó, theo ông Trần Hoàng Ngân, cần có hỗ trợ trực tiếp lẫn gián tiếp.

Hỗ trợ trực tiếp bằng miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thậm chí giảm sâu hơn. Về hỗ trợ gián tiếp, trước hết cải thiện môi trường đầu tư và cải cách hành chính để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, xây dựng nền công vụ phục vụ hiệu quả đem lại năng lượng cho doanh nghiệp để họ không nản lòng

“Địa phương nên có tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục hành chính. Doanh nghiệp cần mở nhà máy thì gọi tổ công tác đó hỗ trợ thủ tục sẽ giúp chi phí giảm rất nhiều” – ông đề xuất.

Thêm nữa là giải quyết bài toán về thủ tục vay vốn. Hiện nay điều kiện vay, nguyên tắc cho vay của ngân hàng là không thay đổi vì đảm bảo chất lượng và an toàn tín dụng. Do đó, chuyên gia này cho rằng cần dùng ngân sách hỗ trợ quỹ bảo lãnh tín dụng, từ đó đảm bảo thì ngân hàng cho doanh nghiệp vay.

Bên cạnh đó hỗ trợ trực tiếp cho người dân, cho người mất việc làm, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo ông Trần Hoàng Ngân, khi đó tăng thêm năng lượng mới, người dân thấy sự chia sẻ, có thêm sức bật trong tình hình hiện nay.

Tiền đâu để hỗ trợ?

Đặt vấn đề lấy nguồn ở đâu để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, PGS.TS Trần Hoàng Ngân một lần nữa nhấn mạnh, 3 năm khó khăn nhưng thu ngân sách không giảm, nợ công lại kéo giảm rất tốt (dưới 40% GDP trong khi trần 60% GDP, là một trong số quốc gia nợ công giảm), tức còn dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ, chấp nhận mức bội chi cao hơn.

Một nguồn nữa là tài sản công vì theo đại biểu hiện nguồn này rất lớn. Chính phủ dành thời gian rà soát, kiểm kê nơi nào không hiệu quả, “trùm mền”, xem xét đấu giá, lấy tiền đó hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Điều đó không chỉ tạo nguồn lực phục hồi mà quan trọng hơn là tạo niềm tin trong nhân dân về khâu quản trị quốc gia, tin tưởng vào sự quản lý hiệu quả tài sản nhà nước, tài sản nhân dân.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, Đảng ban hành nhiều nghị quyết, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, quan tâm an sinh xã hội và phát triển doanh nhân; Chính phủ quyết tâm chính trị rất lớn, làm việc ngày đêm, lập các tổ công tác; Quốc hội sẵn sàng họp chuyên đề, họp bất thường để xem xét thể chế; sự đồng thuận nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp rất cao. “Qua đại dịch ta thấy dân mình thương nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy cơ hội phát triển là có” - ông bày tỏ.

Một thế mạnh rất lớn nữa là nước ta có hơn 100 triệu dân nên thị trường nội địa là không nhỏ. Ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ, chính vì điều này mà ông luôn nêu quan điểm cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế vì chỉ những nước ít dân mới cần độ mở lớn.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận