Sáng nay 25/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.
“Đơn giản nhất là bỏ thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước”
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.
Liên quan quy định cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, nữ đại biểu băn khoăn trường hợp “khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính”.
Theo bà, trong bối cảnh đang sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì số lượng đối tượng thuộc diện trên là rất lớn, nếu áp dụng sẽ phát sinh chi phí không nhỏ, chưa kể chi phí đi lại và chi phí khác của người dân, gia tăng áp lực cho các cơ quan ở địa phương, dẫn đến dễ chậm trễ, gây phiền hà cho người dân.
Báo cáo giải trình cho rằng khi cấp đổi, đổi lại thẻ thuộc các trường hợp này thì người dân được miễn lệ phí. Bà Nguyễn Thị Thuỷ nói rằng “phí này công dân không bỏ ra thì Nhà nước cũng phải chi”. Bà lấy ví dụ, với một xã trung bình 5 nghìn dân thì lệ phí đổi thẻ khoảng 250 triệu đồng, còn cấp huyện quy mô vừa phải 100 nghìn dân thì chi phí 5 tỷ đồng, thậm chí như Thành phố Đông Sơn thuộc tỉnh Thanh Hoá dự kiến được thành lập với số dân hàng trăm nghìn người thì chi phí bỏ ra là rất lớn.
Nữ đại biểu băn khoăn khi xem xét các xã, huyện thuộc diện sắp xếp, sau khi “nâng lên, đặt xuống” mới hỗ trợ được 500 triệu đồng với xã và 20 tỷ đồng với huyện, trong khi chỉ việc đổi thẻ căn cước đã tiêu số kinh phí lớn đến như vậy.
Ngoài ra, nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chỉ quy định các loại giấy tờ được cấp trước khi sắp xếp nếu chưa hết hạn thì vẫn tiếp tục được sử dụng.
Trao đổi lại với đại biểu Thuỷ, ông Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng khi thay đổi đơn vị hành chính thì rất cần cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
“Chỉ một chi tiết “nơi sinh” trong hộ chiếu ở Luật Xuất cảnh, nhập cảnh còn phải sửa, trong khi đó nơi sinh thay đổi khi thay đổi cả đơn vị hành chính mà không sửa đổi thì rắc rối cho chính người dân. Quy định như dự thảo là tính toán quyền lợi tốt nhất cho người dân” – ông Nguyễn Minh Đức nói.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ lưu ý quy định trên thẻ căn cước có thông tin “nơi cư trú” mà chưa rõ là thường trú hay tạm trú, trong khi “nơi cư trú là yếu tố động”. Khi thay đổi nơi cư trú không phải thực hiện cấp đổi thẻ thì tại sao khi thay đổi nơi cư trú do thay đổi tên đơn vị hành chính lại cấp đổi đồng bộ như thế.
Bà cho rằng điều này có thể giải quyết được, bởi theo Điều 26 của Luật Cư trú, khi có thay đổi địa chỉ nơi cư trú vì điều chỉnh đơn vị hành chính, tên đường phố, tổ dân phố, thôn, xóm.. thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh các thông tin này trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông tin này hoàn toàn có thể truy cập qua mã QR trên thẻ và định danh điện tử trên VNEID rất cập nhật, dễ dàng, tránh việc có thời điểm thông tin in trên thẻ và trên cơ sở dữ liệu là vênh nhau.
“Giải pháp đơn giản nhất là ta bỏ thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước” – bà Thuỷ nêu quan điểm.
Có nên để giám đốc công an tỉnh cấp thẻ căn cước?
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Quy định như dự thảo thì việc này thuộc “trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước”, tức Bộ Công an, cấp tỉnh hay cấp huyện đều được cấp căn cước.
Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định thẩm quyền này thuộc thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an. Do đó, bà đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét định nội dung này thống nhất.
Cũng đề cập vấn đề thẩm quyền cấp thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước, Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng nên để cho giám đốc công an cấp tỉnh.
Ông chia sẻ bản thân đổi thẻ căn cước công dân nhưng qua 2 tháng chưa nhận được thẻ, thậm chí có người còn lâu hơn, trong khi quy định là 7 ngày. Quy trình tỉnh chuyển ra bộ, rồi bộ gửi vào tỉnh để chuyển tới công dân thì “7 ngày làm sao đủ”.
“Cần xem xét thật kỹ vấn đề này. Chứng minh nhân dân trước đây cũng do giám đốc công an tỉnh cấp” – ông Hoà nói.
Nam Sơn/VOV.VN