Chủ tịch nước: Cứ nói vướng, kêu khó và chậm tháo gỡ thì dân biết kêu ai?

Đề cập Chương trình phục hồi KT-XH sau Covid, Chủ tịch nước kỳ vọng rất lớn, Quốc hội thảo luận rất hào hứng, quyết tâm rất cao nhưng triển khai thì rất chậm.

 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng trước hết từng địa phương phải thực sự làm, thực sự nghiên cứu xem vướng mắc, khó khăn từ đâu. Còn chỗ nào cũng nói vướng, gặp ai cũng nói vướng, chậm tháo gỡ thì mọi việc nằm tại chỗ.

Bên cạnh điểm sáng còn nhiều thách thức

Phát biểu ý kiến thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 6, sáng 24/10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu. 

"Nói điều này không phải tự khen đất nước mình nhưng những kết quả đạt được rất ấn tượng. Vừa qua, tôi tham gia một số hoạt động đa phương, gặp gỡ một số lãnh đạo các nước thì cơ bản đánh giá rất cao nỗ lực, kết quả của chúng ta và có sự rất chân thành trong trao đổi khi nói về ấn tượng đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua", ông Võ Văn Thưởng nói.

Tuy vậy, Chủ tịch nước chỉ rõ hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn. Nhiều công việc cần phải giải quyết nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được. Nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhưng khả năng tháo gỡ rất hạn chế.

“Thị trường bất động sản trong gần 2 năm qua, chúng ta đã tháo gỡ được dự án nào lớn hay chưa? Điển hình như Đà Nẵng vô cùng khó khăn. Hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chưa giải quyết được cái nào cho ra hồn, thậm chí đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng 0 không đồng nhưng đến giờ vẫn chúng ta cũng chưa xử lý dứt điểm được cái nào và điều đó làm cho rủi ro tiềm ẩn rất là lớn mà những hệ quả cũng chưa thể đánh giá một cách đầy đủ” - Chủ tịch nước dẫn chứng. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại tổ, sáng 24/10.Cũng theo Chủ tịch nước, chúng ta có chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn nhưng khả năng thực hiện chậm mà tại diễn đàn Quốc hội có đại biểu Quốc hội cũng có nói là con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm, hay là trong các cái kết luận của Đảng vẫn thường hay nói là tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu.

Đề cập Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau COVID-19, Chủ tịch nước nhấn mạnh, kỳ vọng rất lớn, Quốc hội thảo luận rất hào hứng, quyết tâm rất cao nhưng triển khai thì rất chậm. Hay đầu tư công, tưởng chừng như cái khó là không có tiền để chi tiêu nhưng mà có tiền rồi vẫn không chi tiêu được. Hôm qua báo cáo tại Quốc hội cũng đã nói rõ bao nhiêu bộ, ngành, bao nhiêu địa phương giải ngân dưới 50%.

Đó là những khó khăn, song theo ông Võ Văn Thưởng, phải nói một điểm nữa cho công bằng là tình hình thế giới và khu vực cũng tác động rất nhiều. Như việc nâng chuẩn hàng tiêu dùng xanh và sạch hơn của cộng đồng châu Âu; đời sống kinh tế khó khăn ở một số nước nó làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể và ảnh hưởng rất lớn đến hàng xuất khẩu; nhiều đơn hàng phải dừng lại; rồi xung đột vũ trang, chiến tranh ở một số nơi cũng ảnh hưởng du lịch...

“Chúng ta có con số xuất siêu nghe thấy rất ấn tượng, nhưng mà bản chất là do giảm nhập khẩu linh kiện máy móc đầu vào vì nhu cầu sản xuất thấp. Những cái khó khăn đó rất là hiện hữu và rất lớn” - ông Võ Văn Thưởng phân tích.

Phân cấp, phân quyền rõ ràng để dưới không hỏi lên và trên không với xuống

Đề cập nguyên nhân, Chủ tịch nước thẳng thắn chỉ rõ phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.

Kết luận của Đảng có nêu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng là từng cấp phải xác định rõ được thẩm quyền và trách nhiệm của mình, để cấp dưới không đi hỏi cấp trên cái chuyện của mình và để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới. Khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời là rõ ràng, minh bạch. 

“Nhưng điều này chúng ta chưa thực hiện được” - ông nói và nêu thực tế quyền hạn không rõ, cứ mỗi lần đi hỏi thì mất tối thiểu là 3 tháng, trung bình là 6 tháng và thậm chí có vấn đề 9 tháng để nhận được một văn bản trả lời là “làm theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó là tư duy là thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách. Lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong cái lĩnh vực đó. Cho nên nhiều chuyện không chịu phân cấp hoặc kể cả những vấn đề đã thấy rồi nhưng phân cấp rất khó khăn.

Vấn đề thứ hai là trách nhiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. “Cán bộ làm sai thì bị xử rất là nặng rồi; cán bộ nói sai đường lối, chủ trương, nghị quyết cũng từng bước xem xét về xử lý kỷ luật rồi. Nhưng mà cán bộ ban hành một nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một luật mà khi triển khai nó gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì chưa ai bị làm sao hết” - ông Võ Văn Thưởng nêu vấn đề. 

Hay vấn đề đó trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản có lỏng lẻo từ chính sách không và nếu có, có ai chịu trách nhiệm không? Theo ông, cũng cần phải xem xét. 

Ai cũng nói khó thì mọi việc nằm tại chỗ hết

Vấn đề thứ ba là tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm. Đây là khuyết điểm rồi, vì cán bộ không thể né tránh, sợ trách nhiệm được. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng “sợ sai thì đúng, làm mà không sợ sai mới chết”. Song, “sợ sai để mình làm kỹ hơn, sợ sai để mình nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, sợ sai để mình cân nhắc trước sau lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi mình quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ”. 

Nhưng Chủ tịch nước có cảm nhận dường như cán bộ nắm quy định không rõ, cứ nói khó mà không rõ khó chỗ nào, khó làm sao, gỡ như thế nào: Ông chuyên viên nói khó, ông trưởng phòng nói khó, ông PGĐ sở nói khó, cuối cùng tới ông giám đốc sở cũng nói khó, tới phó chủ tịch, chủ tịch UBND cũng nói khó theo. Cuối cùng mọi chuyện là nằm tại chỗ hết, không có giải quyết.

“Khi tiếp xúc nhiều cán bộ, tôi có cảm giác là nhiều khi một số đồng chí làm công tác quản lý nhà nước thôi, chuyên ngành chuyên môn một sở, quận, huyện thôi nhưng mà phát biểu cứ như là chính khách. Phát biểu chung chung, thế này, thế kia, nói những lời tốt đẹp nhưng công việc cụ thể thì giải quyết chưa thấu đáo” - ông Võ Văn Thưởng cho biết và nhấn mạnh đây là vấn đề cần phải giải quyết. 

Chủ tịch nước lưu ý, trước hết từng địa phương phải phải thực sự làm, phải thực sự nghiên cứu, tháo gỡ xem vướng mắc, khó khăn từ đâu. Còn chỗ nào cũng nói vướng, gặp ai cũng nói vướng, chậm tháo gỡ thì dân biết kêu ai?

“Dân bây giờ đụng chuyện là nghĩ tới coi mình có quen với ai không, tư duy đó là chết rồi. Tư duy đó phản ánh cái tiêu cực của của xã hội. Dân khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, đến luật pháp mới là tư duy lành mạnh và chúng ta sẽ hướng tới điều đó” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước mong đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương khi có việc gặp phải vướng mắc thì chỉ rõ, cụ thể vướng luật nào, nghị định nào, thông tư nào, còn cứ nói chung chung thì “mày mò cũng khó”.

“Tôi chia sẻ thêm mấy cái ý như thế để mình nhìn thấy những kết quả rất là quan trọng mà chúng ta đạt được cũng rất là thực chất, rất đáng khích lệ, phần nào đó tự hào. Nhưng cũng nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, những trở ngại để mà tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới” - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh khi kết thúc phần phát biểu.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận