Cho rằng đã đến thời điểm chín muồi để cải cách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý “không thể khác, vì đã 3 lần lỡ hẹn với cán bộ, công chức, viên chức”.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đang diễn ra và một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là việc Quốc hội sẽ xem xét, quyết định cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Đề cập vấn đề này khi thảo luận tổ về tình hình - kinh tế xã hội, sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, tháng 5/2018, Trung ương thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là một quyết định rất đúng.
Tuy nhiên, 6 năm qua, việc thực hiện nghị quyết chưa được nhiều, mỗi năm điều chỉnh lương 7% nhưng “thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương”.
Cho rằng đến thời điểm này đã chín muồi, không cải cách không được, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đầu tư cho cải cách tiền lương là đầu tư cho phát triển. “Không thể khác, điều kiện đã đủ rồi. Đã 3 lần lỡ hẹn với cán bộ, công chức, viên chức” - ông nói.
Dẫn mức lương của một kỹ sư ra trường là 3,5 triệu đồng, thấp hơn mức thấp của tối thiểu vùng (4 triệu đồng), tiếp nhận tài năng với bậc lương 2,67 nhân với 1,8 triệu đồng, vị bộ trưởng này bày tỏ: “Thế thì sống làm sao. Chúng ta đặt vấn đề lương đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình họ, có được không?”. Ông đề nghị thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương và mong Quốc hội ủng hộ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng nêu quan điểm, đi cùng với cải cách tiền lương khu vực công thì phải cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác.
Với khu vực công, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, quan trọng nhất là xoá bỏ mức lương cơ sở - đây là cái gốc, trả lương theo vị trí việc làm, ban hành 5 thang bảng lương.
Với khu vực doanh nghiệp nhà nước, ông cho biết, hiện có tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, công nhân không có thu nhập nhưng người quản lý lương rất cao, vì họ ăn bảng lương hoàn toàn khác với người lao động.
Do đó, ông đề nghị phải cải cách lương ở khu vực này, với các nội dung: Thứ nhất, người quản lý ăn lương cùng lao động, khi lợi nhuận cao thì cả hai hưởng cao
Thứ hai là tách hoàn toàn người quản lý với người giám sát vì “ở các nước, người quản lý sợ ông giám sát, nhưng ta thì ngược lại, ông giám sát sợ ông chủ vì ông chủ trả lương”.
Thứ ba, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương, DN hoàn toàn ban hành, khi đó Nhà nước đưa ra mức lương tối thiểu cho người lao động. “Hiện thang bảng lương 3 năm một lần tăng, bà tạp vụ có khi lương cao hơn kỹ sư ra trường nên công ty người ta sa thải thôi” - ông nói.
Một nội dung nữa mà theo ông chưa được đề cập và “nếu không nói, Quốc hội không cho ý kiến thì Chính phủ không làm được” là tiền lương của người nghỉ hưu, bảo trợ thế nào, nếu không tính toán đồng bộ sẽ bỏ rơi đối tượng này.
“Từ 1/7/2024 bỏ lương cơ sở thì người nghỉ hưu giải quyết thế nào, có được cải cách tiền lương hay không, nếu có thì mức bao nhiêu? Không nâng thì vô hình trung để họ tụt lại phía sau, càng xa hơn mức sống đời tường” - ông Đào Ngọc Dung băn khoăn.
Vị bộ trưởng đề nghị, bên cạnh cải cách tiền lương khu vực Nhà nước cần đi đôi với khu vực DNNN và điều chỉnh phù hợp lương đối tượng về hưu và các đối tượng khác. “Nói thế có cửa sau này Chính phủ thực thi phù hợp, đúng nghĩa cải cách tiền lương khu vực công và toàn xã hội”.
Ngọc Thành/VOV.VN